Ai bảo tết Trung thu không phải của người Việt?

author 11:44 31/08/2014

(VietQ.vn) - Lễ tiết vào mùa thu là phong tục tập quán chung của các dân tộc trồng lúa nước. Nếu nói tết Trung thu xuất phát từ Trung Quốc là không có cơ sở.

Nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (ảnh) đã có cuộc trò chuyện về nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu truyền thống của Việt Nam.

Thưa ông, khi nói tới xuất xứ Tết Trung thu, người ta vẫn nhắc tới Trung Quốc, rằng đây không phải tết truyền thống của người Việt. Quan điểm mặc định như vậy liệu có đúng không thưa ông?

Nếu nói Tết Trung thu không phải của Việt Nam là không đúng. Đối với văn hóa trồng lúa nước nói chung, người dân thường rất coi trọng 2 thời điểm trong năm đó là: tiết mùa xuân là tiết vào mùa và mùa thu là tiết thu hoạch.

Vào mùa thì có lễ cầu, tới kỳ thu hoạch sẽ có lễ tạ ơn. Đó là phong tục chung của cư dân trồng trọt. Mùa thu tới, cũng là lúc người dân đón chờ kết quả của một vụ màu canh tác. Chính vì thế vào tiết rằm tháng 8 âm lịch, người dân làm món ngon từ những thành quả trồng trọt có được dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất trời, thân linh đã trợ giúp để có mùa mang tốt tươi. Lễ tạ ơn này các dân tộc trồng trọt tại phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có cả.

Khi xã hội phát triển, văn hóa vùng miền cũng phát triển từ những sự đa dạng  của các dân tộc, mỗi đất nước. Tại Việt Nam, cũng phải thừa nhận khi có ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa lễ cúng rằm Trung thu đã được nâng lên thành lễ tiết, nhưng nếu nói không có Trung Quốc thì không có tết Trung thu tại Việt Nam thì lại không đúng. Đây là kết quả giao thoa của 2 nền văn hóa Việt Nam-Trung Hoa. Tết Trung thu là lễ tiết của các nước hương Đông có tính chất khu vực, vừa co cái chung lại vừa mang nét đặc trưng.

Việt Nam dành tết Trung thu cho cho trẻ con, đó là điều khác biệt mà không nước nào có...

Vậy nét đặc trưng, ý nghĩa của Tết Trung thu tại Việt Nam có sự khác biệt như thế nào với các nước khác?

Nét khác biệt trong tết Trung thu của người Việt được tạo dựng từ yếu tố xã hội và tự nhiên. Theo đó, thời tiết và cảnh sắc đất Việt lúc này không còn oi nóng mà trở nên mát mẻ, dịu dàng, trữ tình nét duyên rất Việt từ những buổi tối trông trăng. Sản vật màu thu của nước Việt cũng rất phong phú, thơm ngon: cốm dẻo, hồng ngọt, chuối trứng quốc...là đặc sản mà ta không thể bắt gặp ở những nước khác.

Về ý nghĩa, Việt Nam cũng như các nước phương Đông khác, tết Trung thu là dịp đoàn tụ gia đình, tri ân bề trên, gặp gỡ bạn bè... Tuy nhiên chỉ riêng ở Việt Nam từ lâu đã mặc định tết Trung thu là tế dành cho trẻ con. Tâm lý này của người Việt được thể hiện ngay trong những món ăn, đồ chơi, trò chơi ngày rằm tháng 8. Truyền thống ấy còn được tô đậm hơn bởi dấu mốc ngày 17/9/1945, nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ có liền hai bức thư “Tết Trung thu với nền độc lập” gửi đến “Cùng các trẻ em yêu quí”. Từ đó trở đi, vào dịp tết Trung thu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều dành sự quan tâm, thời gian đi tặng quà cho thiếu nhi. Đây chính là nét đặc biệt, tính nhân văn mà rõ ràng không nước nào có.

Ông có nhắc tới văn hóa ẩm thực, vậy nhắc tới tết Trung thu truyền thống của người Việt, chúng ta thường nhớ tới những sản vật gì?

Mùa thu gió heo may, ngoài vườn có hồng đỏ chín, chuối trứng quốc, bưởi đào...Đối với người Bắc thì không thể không nhắc tới cốm dẻo, bánh nếp, bánh nướng bánh dẻo...Lại có người  cho rằng bánh nướng, bánh dẻo là của người Trung Quốc nhưng tôi lại cho rằng hương vị bánhtrung thu truyền thống của Việt Nam rất khác biệt. Tôi đã từng đón một cái  tết Trung thu tại Trung Quốc nhưng không sao có thể ăn được bánh trung thu của họ.

Bánh trung thu truyền thống của Việt Nam được làm từ những nguyên liệu rất thanh, không hề có trứng, thịt, tạp phí lù như hiện nay. Bánh truyền thống rất đơn giản, không cầu kỳ nhưng chỉ cần ăn một miếng nhỏ, nhấp ngụm trà thơm là ai cũng có thể cảm nhận được cả hương vị mùa thu đất Việt.

Dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa đã trải nghiệm qua thời gian, ông thấy tết Trung thu truyền thống xưa và nay có gì khác biệt?

Năm nay, tuy đã 70  tuổi song vẫn không thể quên những kỷ niệm về trò chơi, món ăn ngày Trung thu của thời thơ ấu. Xã hội ngày càng hiện đại khác xưa song lại khiến trong tôi nhiều điều trăn trở.

Còn nhớ đồ chơi Trung thu ngày xưa rất đơn giản không đắt tiền nhưng mang đặc tính nhân văn tuyền thống được nghệ nhân gửi gắm vào đó là cả thế giới tưởng tượng khám phá cùng ước vọng thanh bình. Đó là chiếc đèn ông sao, ông tiến sỹ, là đèn cù, đèn đẩy, đèn kéo quân... Còn bây giờ đồ chơi truyền thống không được  phát huy mà lại bị lấn áp bởi đồ chơi ngoại nhập mang đầy tính bạo lực, thậm chí còn độc hại nguy hiểm...

Đồ chơi trẻ em dường như đang bị bỏ rơi, người ta cũng đã  nói rất nhiều nhưng lại không thấy ai thực hiện...

Xin cảm ơn ông!

Tết Trung thu được tổ chức phổ biến ở các nước châu Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc, ban đầu là theo phong tục dân gian, Tết trung thu vào giữa rằm tháng 8, thời điểm này thời tiết mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Các câu chuyện xung quanh xuất xứ của ngày tết này rất nhiều, trong đó, trong dân gian vẫn còn lưu truyền truyền thuyết về đôi vợ chồng Hằng Nga, Hậu Nghệ.

Tại Nhật Bản, mỗi năm nước này có 2 hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Hội đầu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền "Otsuki-mi" (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu), kế đến là hội ZYUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10. Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước

Tại Hàn Quốc có lễ hội Chusok hay còn gọi là Lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Lễ hội diễn ra suốt vụ mùa, vì thế đây là dịp để người dân lễ tạ tổ tiên - người đã mang lại cho họ lúa gạo và quả ngọt.

Lễ hội được tổ chức từ đêm trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Trong dịp này, người Hàn Quốc luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn. Mọi người cùng nhau thưởng thức món bánh "Songphyun".

Hoàng Vũ (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang