Ai quản lý chất lượng quà vặt ở cổng trường?

author 09:53 27/08/2016

Quà vặt mất vệ sinh được bán tràn lan ở cổng trường, nhưng không có nhà quản lý nào “ra tay”, cho dù trẻ em vẫn ăn hằng ngày.

Muôn vàn đồ ăn vặt hấp dẫn

6h45 ngày 24/8, tại cổng trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) có khá nhiều hàng ăn sáng phục vụ học sinh. Ngoài 4 hàng quán nhà dân đối diện cổng trường bán đồ ăn và nước uống phục vụ học sinh còn có những xe hàng lưu động chỉ bán vào buổi sáng và chủ yếu là phục vụ học sinh các mặt hàng như: xôi, bánh mì, bánh bao, bánh giò, xúc xích… Con đường trước cổng trường thì nhỏ, hàng quán đông khiến xe cộ đi qua cổng trường thường bị ách tắc.

Trước cổng trường tiểu học Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) có đến chục hàng bán đồ ăn vặt cho học sinh. Thu hút học sinh đông nhất là hàng thịt xiên, bánh mì que, xúc xích nướng. Từng xiên thịt nướng thơm nức hấp dẫn các em.

Quà vặt "chiếm lĩnh" cổng trường. Ảnh: VOV 

Chị Thu Thùy, một phụ huynh đang mua thịt nướng cho con chia sẻ: “Vẫn biết là mua đồ ăn vỉa hè như thế này rất mất vệ sinh nhưng khi tan học con đang đói, cháu cứ nằng nặc đòi nên thỉnh thoảng tôi cũng mua cho cháu khi thì thịt xiên, khi thì xúc xích”. Thấy khách đứng xem, chị Thủy - người bán thịt nướng đon đả mời chào: “Chị mua cho cháu một xiên đi, có 8.000 đồng/xiên, khách ăn đến đâu em quạt đến đó cho sạch sẽ, không ngon em không lấy tiền”.

Khách hàng là học sinh thường khá dễ tính, cứ thấy hàng quán nào bán đồ ăn bắt mắt và giá rẻ là mua chứ chẳng để ý xem hàng ăn có sạch sẽ, thức ăn có được che đậy hay không.

Để hạn chế tình trạng học sinh mua đồ ăn vặt trước cổng trường, cô giáo Thanh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường khuyến cáo phụ huynh cho con ăn sáng trước khi đến trường và không cho con mang tiền đến lớp, vừa để các con không mua đồ ăn không đảm bảo trước cổng trường vừa tránh tình trạng lấy trộm tiền của nhau”.

 Ảnh: VOV

Em Thu Thủy, học sinh lớp 7 chia sẻ, 7h15 đã vào học, nếu đợi mẹ chuẩn bị đồ ăn sáng dễ bị muộn học nên Thủy thường tới trường mua đồ ăn sáng. Những quán ăn ở cổng trường rẻ hơn những nơi khác. Bánh mì Thủy mua 10.000 đồng/cái, xôi thì mua 5.000 là đủ ăn, bánh bao, bánh giò từ 5.000 -7.000 đồng/cái.

Hỏi Thủy đã bao giờ ăn, uống ở cổng trường bị đau bụng chưa, Thủy nói có không ít lần, nhưng hết đau bụng, Thủy lại tiếp tục mua đồ ăn ở cổng trường ăn vì thấy tiện và đôi khi nhìn các bạn ăn quà vặt, Thủy cũng không kìm được sự thèm thuồng.

70 - 80% số thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn

Mới đây, vào tháng 27/4/2016, Cảnh sát môi trường Công an thành phố Vinh (Nghệ An) kiểm tra kho hàng của gia đình anh Trương Phiên (phường Vinh Tân, thành phố Vinh) thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm có nhãn mác in chữ Trung Quốc, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Lô hàng gồm: hơn 210 túi ô mai, 600 lọ nước trái cây, 2 thùng thịt sấy khô, 13 thùng ngô chiên, 16 thùng chuối sấy khô, 2 thùng quẩy, nhiều loại kẹo hình thù lạ... Tất cả không có hạn sử dụng. Đây là đại lý chuyên bán sỉ cho các quán tạp hóa nhỏ gần một số cổng trường.

Vạch trần nhiều chiêu trò 'lên đời' thực phẩm bẩn(VietQ.vn) - Những ngày vừa qua, người tiêu dùng vô cùng hoang mang vì liên tiếp những thông tin về thực phẩm bẩn, tim lợn mốc xanh, thịt thối, nội tạng thối, vi cá mập làm từ nhựa dẻo, gạo làm từ giấy và nhựa...

Những đồ ăn vặt ở cổng trường được xếp vào loại thức ăn đường phố. Theo thống kê từ Bộ Y tế, 70 - 80% số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra ngày một nhiều hơn, các  bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, đồ ăn bán trước cổng trường nếu không có sự giám sát về ATVSTP dễ nhiễm nấm mốc, vi sinh,… học sinh ăn phải có thể bị đau bụng, đi ngoài hay gây ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận. Có thể thực phẩm đó còn chứa những chất phụ gia không cho phép, ăn vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các quy định pháp luật quy định rõ các điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố. Việc phân công phân cấp quản lý loại hình kinh doanh này cũng đã được quy định rõ ràng.

Theo đó, lực lượng quản lý thức ăn đường phố bán ở cổng trường chính là UBND phường, xã -  nơi có trường học đóng. Các trường nên phối hợp với địa phương kiểm tra các địa điểm kinh doanh thực phẩm ở cổng trường xem có đáp ứng quy định hay không và có biện pháp giám sát để đảm bảo an toàn cho học sinh.

“Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần”.

(Trích Thông tư 30/2012/TT -BYT)

 

 

Theo VOV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang