Ai sở hữu Khách sạn Sheraton Hà Nội & Hanoi Westlake?

author 11:53 16/01/2013

Vincent Tan là tấm gương điển hình của một người nghèo với ý chí bền bỉ, không ngừng vươn lên rồi trở nên giàu có. Từ hai bàn tay trắng, chưa đầy 30 năm sau, ông là chủ tịch của một trong những tập đoàn đa ngành hùng mạnh nhất châu Á, còn bản thân ông cũng nắm giữ khối tài sản tỉ đô.

Từ một công ty bán bảo hiểm đến đế chế hùng mạnh hàng đầu châu lục

Người dân thủ đô có lẽ không lạ lẫm gì với khách sạn 5 sao InterContinental Hanoi Westlake. Tọa lạc tại một vị trí rất đẹp giữa lòng thủ đô, ngay cạnh Hồ Tây, InterContinental còn là một công trình khách sạn “độc nhất vô nhị”. Toàn bộ khu phòng khách, nhà hàng và các dịch vụ giải trí đều được xây trên mặt nước Hồ Tây, với sự kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc châu Âu và Việt Nam.

 
Cách đó không xa, cũng nằm bên Hồ Tây là khách sạn 5 sao Sheraton Hà Nội. Đây cũng là một trong những khách sạn nổi tiếng và xa xỉ nhất Hà Thành. Mang lối kiến trúc truyền thống, bên trong Sheraton Hà Nội là trung tâm thương vụ được trang bị đầy đủ cùng với các phòng họp, các nhà hàng, câu lạc bộ đêm, trung tâm thể chất, bể bơi ngoài trời đẹp mắt nằm trong khu vườn cây bên bờ hồ Tây.
 
Đặt chân lên hòn đảo lớn nhất đất nước, đảo Phú Quốc, bất cứ du khách nào cũng muốn nghỉ chân tại Long Beach Resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp bên những bãi biển trải dài thơ mộng.
 
Cả 3 cái tên trên đều rất nổi tiếng và quen thuộc với người bản địa. Nhưng khi nhắc đến tên tập đoàn sở hữu nó, hẳn nhiều người lại cảm thấy rất lạ lẫm: Tập đoàn Berjaya đến từ Malaysia.

Biểu tượng của thành công
 
Berjaya trong tiếng Malaysia có nghĩa là thành công, và nó cũng phản ánh đúng những gì mà tập đoàn này đã thể hiện trong suốt 3 thập kỷ qua. Từ một công ty bảo hiểm, Berjaya ngày nay là một tập đoàn đa ngành, xuất hiện trên mọi lĩnh vực và có doanh thu hàng tỉ đô mỗi năm.
 
Để có được thành công này không thể không nhắc tới vai trò của Vincent Tan – nguyên chủ tịch đồng thời người sáng lập ra Berjaya. Nói không ngoa, thành công của Berjaya đều do một tay ông gây dựng.
 
Vincent Tan là tấm gương điển hình của một người nghèo với ý chí bền bỉ, không ngừng vươn lên rồi trở nên giàu có. Từ hai bàn tay trắng, chưa đầy 30 năm sau, ông là chủ tịch của một trong những tập đoàn đa ngành hùng mạnh nhất châu Á, còn bản thân ông cũng nắm giữ khối tài sản tỉ đô.
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Vincent Tan không có tiền để đi học và phải rời khỏi ghế nhà trường từ năm 16 tuổi. Kể từ đó, ông bắt đầu công việc của một nhân viên ngân hàng kiêm thêm việc bán báo hiểm vào mỗi buổi tối. Khả năng kinh doanh của ông đã sớm được thể hiện trong thời điểm này khi ông làm rất tốt công việc bán bảo hiểm và sớm giữ vai trò quan trọng trong công ty bảo hiểm Quốc tế Mỹ vào năm 21 tuổi.
 
Tới cuối những năm 70, Tan quyết định thoát ly để khởi nghiệp kinh doanh bảo hiểm riêng. Công ty bảo hiểm nhỏ bé đó chính là tiền thân của Tập đoàn Berjaya sau này.
 
Công việc kinh doanh bảo hiểm của Vincent Tan diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, bước ngoặt thự sự trong sự nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1981, khi ông giành chiến thắng trong việc mua nhượng quyền McDonald’s tại Malaysia và phát triển mạnh việc cung cấp dịch vụ ăn uống/nhà hàng. Kể từ thời điểm này, Berjaya trở thành một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất Malaysia
 
Bước ngoặt tiếp theo đến vào năm 1985, khi chính phủ Malaysia tiến hành tư nhân hóa công ty xổ số Toto và đồng ý bán 70% cổ phần lại cho Tan. Đến năm 1990, sau khi tái cấu trúc lại công ty, Tan đã nắm giữ 100% cổ phần của Sport Toto. Thương vụ này thành công được là nhờ mối quan hệ mật thiết giữa Tan với chính phủ, cụ thể là nguyên thủ tướng Malaysia Mahathir Maohamad.
 
Sport Toto sau này trở thành Berjaya Land Berhad, một trong những công ty con lớn nhất của tập đoàn Berjaya. Berjaya Land Berhad hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sòng bạc, giải trí. Đây cũng là công ty nắm giữ hầu hết các dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam.
 
Cũng trong khoảng thời gian này, Berjaya liên tục mua thêm bất động sản và mở rộng các dịch giải trí. Đến giữa những năm 90, Berjaya đã trở thành một trong nhưng tập đoàn hàng đầu về khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Malaysia.
 
 
Với dòng tiền chảy mạnh từ công ty Sport Toto, Berjaya tiếp tục phát triển thêm các ngành mới, và dần dần trở thành một tập đoàn đa ngành. Hiện tại, tập đoàn Berjaya có 16.000 nhân viên hoạt động trong rất nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất cho đến dịch vụ như, bất động sản, nghỉ dưỡng, sòng bạc, sản xuất ô tô, hàng tiêu dùng, truyền hình, giáo dục và cả thực phẩm. Vốn hóa thị trường của tập đoàn ước tính khoảng 2,4 tỉ USD.
 
Riêng cá nhân Vincent Tan, ông hiện nắm giữ hơn 41% cổ phần của Berjaya. Tài sản của ông năm 2011 được Forbes ước tính là 1,25 tỉ USD, xếp thứ 9 trong số những người giàu nhất Malaysia.
 
Tham vọng tại Việt Nam
 
Vài năm trở lại đây, tập đoàn Berjaya đã bắt đầu nhượng lại quyền kinh doanh đối với một số trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng trên thế giới do hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, riêng với thị trường Việt Nam, Berjaya luôn rất lạc quan.
 
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006, Berjaya đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hảng tỉ USD. Các dự án này thường là 100% vốn của tập đoàn hoặc liên doanh với một công ty của Việt Nam với tỉ lệ 70 – 30.
 
Có thể kể đến một số dự án như dự án khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại TPHCM với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ; Khu đô thị mới Hanoi Garden City, Bien Hoa City Square và Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai; hay dự án Berjaya Long Beach Resort tại đảo Phú Quốc...
 
Ngoài ra, còn có Công ty Chứng khoán Saigon Bank Berjaya (SBBS) liên doanh giữa Saigon Bank và Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ Hòa có vốn điều lệ 300 tỉ đồng.
 
Một số dự án lớn đang của Berjaya đang được triển khai tại Việt Nam
 
* Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội: 320 triệu USD
 
* Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP.HCM: 930 triệu USD
 
* Dự án Khu đô thị - đại học quốc tế tại TP.HCM: 3,5 tỉ USD
 
* Dự án khách sạn 5 sao cùng khu phức hợp căn hộ và Trung tâm thương mại Biên Hòa City Square: 100 triệu USD.
 
Dù tự tin vào thị trường Việt Nam, nhưng Berjaya Land Berhad cũng đang gặp không ít khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án tỉ đô như Trung tâm tài chính và khu đô thị - đại học quốc tế tại Tp Hồ Chí Minh bị đình trệ hoặc chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
 
Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam thừa nhận, tiến độ của 2 dự án này chậm so với cam kết ban đầu, song chủ yếu do nguyên nhân khách quan, thị trường. Hiện chủ đầu tư Dự án VFC đã bỏ ra trên 1.000 tỷ đồng tiền để hoàn tất khâu đền bù giải tỏa và đang chờ giấy phép xây dựng, nếu không có gì thay đổi đầu năm 2013, sẽ khởi công.
 
Theo CafeBiz
 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang