Ai tiếp tay cho tôn thép Trung Quốc kém chất lượng tung hoành?

author 06:47 27/11/2014

(VietQ.vn) - Chiêu trò móc ngoặc biến tôn thép giả kém chất lượng thành hàng “xịn” của chính doanh nghiệp Việt đã và đang làm người tiêu dùng cùng nhà sản xuất trong nước “lãnh đủ”!

Nhận định trên được nêu tại Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý"

 Người tiêu dùng bị "móc túi" trắng trợn!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PCT kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN nhận định: Một trong những mặt hàng bị làm giả rất đáng quan ngại đó là tôn, sắt thép. Cùng với tốc độ xây dựng, nhu cầu mặt hàng này cũng ngày càng tăng. Đây cũng là cơ hội cho những hành vi trục lợi từ những thủ đoạn gian lận đánh vào mặt yếu của người tiêu dùng.

Thép giả được gắn nhãn hiệu "xịn" đánh lừa người tiêu dùng (ảnh minh họa)

“Tính đặc thù của mặt hàng tôn, sắt thép ở chỗ, thường thì những người trong ngành sản xuất hay xây dựng mới am hiểu tính năng kỹ thuật từng loại, còn đối với phần lớn người tiêu dùng thì có thể nói sự hiểu biết về mặt hàng này còn rất hạn chế. Khi nhà thầu không minh bạch nào đó đưa vào thi công công trình các cọc bê tông, các loại thép giả, không đúng Ø, nếu giám sát thi công không đủ chuyên môn thì khó phát hiện và cuối cùng thì mối nguy tiềm tàng này sẽ là người tiêu dùng gánh chịu.”, ông Hùng nói.

Về phía cơ quan quản lý,  ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết: Trên thị trường hiện nay, các loại thép giả Việt - Úc biến tướng thành “VUC”, “VUA”, thép giả Việt - Hàn là “VP”, “UP”, thép giả Thái Nguyên với nhãn hiệu “TISCO”, “TISSCO”… rất phổ biến.

“ Về hình thức, thép giả không dễ phân biệt với thép thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng thép giả dẫn đến hậu quả khó lường. Đây là những loại sắt thép gia công dùng phôi đúc sẵn, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực kém gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình. Nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng đã trà trộn hàng giả với hàng thật.”, ông Tín cho hay.

Để chứng minh người tiêu dùng mặt hàng tôn thép đang bị “móc túi” một cách trắng trợn ra sao, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, làm phép tính: Mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 – 6.000 đồng/m tôn. Giả sử với một ước tính khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái tương đương khoảng 346 ngàn tấn, tính ra mét là  98.856.000m tôn thì số tiền thiệt hại ít nhất là 4.000 đồng/m x 98.856.000m = 394 tỷ đồng.

Nếu riêng với Tập đoàn Hoa Sen, năm 2014 Tôn Hoa Sen thiệt hại khoảng 118 tỉ đồng, thì đối với toàn ngành tôn, giả sử lượng tôn giả, tôn nhái chiếm 20% thị phần thì ước tính thiệt hại gây ra cho toàn ngành tôn thép trong nước khoảng 906 tỷ đồng.

Như vậy xét riêng ngành tôn thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế (bao gồm thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng) ước tính 1.300 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do người bán khi bán tôn không xuất hóa đơn cho người mua trực tiếp và sau đó lại bán khống hóa đơn này để đáp ứng cho những doanh nghiệp kê khai chi phí đầu vào mà thực tế không có mua đầu vào.

Chiêu trò dán dán nhãn mác “xịn” cho tôn thép rởm

Theo ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan), hiện nay một số phương thức, thủ đoạn gian lận các doanh nghiệp đã lợi dụng khi nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam là: khai sai tên hàng và khai sai mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế.Cụ thể, Trong năm 2014, cơ quan Hải quan đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu khi nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam là khai sai tên hàng hóa và mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế.

“Vấn đề nghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, hiện nay chính sách pháp luật đối với việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu nói chung cũng như mặt hàng tôn thép nói riêng còn nhiều bất cập. Do quy định cho phép người nhập khẩu có thể bổ sung các thông tin trên nhãn bằng cách ghi nhãn phụ, nên việc xác định gian lận trong việc ghi nguồn gốc, xuất xứ trên nhãn hàng hóa tại khâu nhập khẩu thường không kiểm soát được”, ông Hưng phân tích.

Từ thực tế, ông Lê Phước Vũ cho biết các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái chủ yếu sử dụng 2 hình thức gian lận thương mại để “móc túi” người tiêu dùng.

Thứ nhất, các doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm tôn không đủ độ dày theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng cao” độ dày tôn; hoặc sử dụng tôn không rõ nguồn gốc, tôn Trung Quốc kém chất lượng để in thông số mập mờ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

“Một trong những cách nhận biết đơn giản nhất là trên những cuộn tôn bị “đôn dem” thường có ký hiệu “MSC” hoặc “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn. Ngoài ra, bằng mắt thường có thể nhìn mặt sau của tấm tôn khi in độ dày, những tấm tôn kém chất lượng thường chỉ ghi độ dày là 0.35 hoặc 0.4 thay vì viết đầy đủ là 0,35mm và 0,4mm.”, ông Vũ cho biết.

Thứ hai, các cơ sở kinh doanh này mua tôn không rõ nguồn gốc, tôn Trung Quốc kém chất lượng sau đó in nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc tẩy xóa thương hiệu của các nhãn hàng khác để in thành sản phẩm chính hiệu lừa dối người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm tôn nhái, tôn giả thường có dòng in vi tính bị nhòe, không rõ ràng sắc nét do bôi xóa, in đè lên và không thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

Ngoài ra, ông Vũ cũng nêu thực trạng các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng. Do đó tôn bán ra sẽ có giá thấp hơn so với các đơn vị kinh doanh tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang