"Alan Phan và Hiệp hội bất động sản đều sai"

author 07:01 05/04/2013

(VietQ.vn) – Cả hai đều tiếp cận từ “hai đường biên”, nên không đưa ra được giải pháp phù hợp nhất.

Sự kiện: Bất động sản

Lời Tòa soạn: Sau khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cho dân vay vốn ưu đãi để mua nhà, cuộc tranh luận giữa Alan Phan và Hiệp hội Bất động sản đã bắt đầu ngã ngũ.

Để thông tin đa chiều, Chất lượng Việt Nam xin đăng bài phân tích của một chuyên gia kinh tế (từng thi Toán quốc tế, có nhiều năm làm phân tích tài chính…) về việc giải cứu thị trường bất động sản hiện nay:

Khi những "thây ma" BĐS sống lại, công chức bình thường có mua được nhà không?
Khi những "thây ma" BĐS sống lại, công chức bình thường có mua được nhà không? Ảnh: SGTT

Tôi đã đọc tranh luận đăng trên truyền thông giữa TS Alan Phan và Hiệp hội Bất động sản. Cả hai cách nhìn đều tiếp cận từ “hai đường biên”, nên đều sai.

Lấy ví dụ từ cơ thể con người. Để tồn tại và phát triển, chúng ta phải thải ra hết các chất độc hại, cặn bã…trong cơ thể. Nếu không để những thứ này ra ngoài, cơ thể sẽ ngày càng “ngấm độc”, ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng ngược lại, cũng không thể thải hết mọi hợp chất trong người ra ngoài, vì có cả chất dinh dưỡng nuôi các bộ phận.

Bởi vậy, với bất động sản, vấn đề là cứu như nào?

Trước hết, phải xác định, đối tượng cần cứu là gì. Thứ tự ưu tiên phải là bất động sản, người mua bất động sản, người phát triển bất động sản.

Chúng ta phải đánh giá xem sức của chúng ta đến đâu để cứu. Rõ ràng, khoản tiền 30.000 tỷ đồng không thể cứu hết được thị trường, nên phải lựa chọn.

Ở đây, nếu tung gói cứu trợ cho dân mua nhà, cần nghiêm túc thực hiện minh bạch hóa: đối tượng được vay ngân hàng phải được tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn. Sau đó phải có cơ chế thị trường để lựa chọn những người xứng đáng được vay…

Nhưng nếu không thực hiện minh bạch, rất dễ xảy ra trường hợp “biến tướng”: gói cứu trợ đó lại “chui” vào túi những đối tượng khác. Bởi, nếu không minh bạch, có khi những nhà quản lý không bị sao mà lại còn được hưởng lợi…

Còn nếu “để bất động sản” rơi tự do, phải tính xem tỷ lệ doanh nghiệp “chết” bao nhiêu là vừa. Và phải xác định, để cho các ông chủ bất động sản, ông chủ ngân hàng làm ăn kém hiệu quả…chết, chứ không phải doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng chết.

Các nước phương Tây và châu Á, mỗi nước đều có gói cứu trợ khác nhau. Giống như mỗi người bị ốm, căn bệnh với mỗi bệnh nhân là khác nhau, nên cần “liều thuốc” phù hợp.

Nhìn ở góc độ tổng thể, việc các cá nhân người Việt đều muốn sở hữu một căn nhà là không thể được, bởi chúng ta chưa thể áp dụng: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Nó cũng giống như việc chúng ta phải xây dựng một chương trình sao cho người nông dân có nhà lầu, xe hơi như người thành phố. Đó là điều chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Với thu nhập bình quân còn thấp, chi phí sản xuất cao, việc hướng đến là khuyến khích dân thuê nhà, thay vì mua nhà. Xa hơn nữa, là phải phát triển các vùng vệ tinh của Hà Nội và TP HCM. Bởi, nếu dân tập trung đông ở một nơi, dù cứu thế nào cũng không tránh được giá nhà đất cao.

Nhưng cách quản lý của chúng ta hiện nay làm cho những người làm quy hoạch, thà làm ít để xảy ra ít lỗi, còn hơn là làm nhiều và đưa ra các giải pháp thay đổi. Bởi làm nhiều thì có thể phát sinh lỗi nhiều và bị xử lý.

Người ta gọi đó là “lỗi hệ thống” cần phải được khắc phục !

Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 mgiá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp.

Hoàng Lan

(ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang