Ám ảnh ở nơi người dân phải đeo khẩu trang cả khi... ngủ

author 09:19 19/07/2018

(VietQ.vn) - Khai thác khoáng sản ở khu vực phía Tây sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam nhiều năm qua dẫn đến môi trường ô nhiễm nặng. Từ nhà cửa, cây cối, hoa màu và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi khói bụi, chấn động từ nổ mìn khai thác.

Từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường đã khiến khu vực phía Tây sông Đáy (Tây Đáy, Hà Nam) trở nên xác xơ, hoang tàn và bụi bặm. Một câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng về việc ô nhiễm môi trường dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng "tụt dốc"?

Hàm lượng bụi vượt quy chuẩn nhiều lần

Theo số liệu từ Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, tính riêng khu vực Tây Đáy có khoảng hơn 100 doanh nghiệp khai thác khoáng sản với các loại hình hoạt động chủ yếu là: khai thác đá; sản xuất bột đá; sản xuất vôi và đặc biệt là sản xuất xi măng.

Với dân số khoảng 60.000 người, khu vực Tây Đáy đang hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

  Bụi do nổ mìn, khai thác khoáng sản bao trùm cả khu dân cư sinh sống.
Nhà máy xi măng trên địa bàn ngày ngày "nhả khói" gây ô nhiễm môi trường.

Theo Đề án Tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây Đáy do Sở TN&MT cung cấp, hiện trạng môi trường không khí khu vực này đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Kết quả phân tích của Viện khoa học công nghệ và môi trường quan trắc cho thấy, khu vực thị trấn Kiện Khê và các xã Thanh Nghị, Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Hải hàm lượng bụi cao hơn QCVN từ 1,96 đến 3,09 lần. 

  Hiện trạng môi trường không khí xung quanh tại huyện Thanh Liêm.

Cũng theo kết quả phân tích của Trung tâm quan trắc phân tích TN&MT, Sở TN&MT năm 2015 tại 03 điểm của huyện Kim Bảng: gồm khu vực Cây xăng dầu Bút Sơn, Thanh Sơn; khu vực ngã ba Cầu Đồng Sơn, xã Thi Sơn và khu vực UBND thị trấn Ba Sao: Hàm lượng bụi tổng số ở hầu hết các khu vực đều cao hơn QCVN từ 1,26 đến 1,42 lần. Ngoài ra, còn một số khu vực cũng có nồng độ bụi cao nhưng chưa được quan trắc định kỳ thường xuyên. Thực tế, tại những thời điểm các doanh nghiệp khai thác đá thực hiện nổ mìn hoặc các nhà máy xi măng gặp sự cố, mức độ ô nhiễm môi trường do bụi có thể còn cao hơn rất nhiều so với các số lượng được quan trắc.

Hiện trạng môi trường không khí xung quanh tại huyện Kim Bảng.

Đặc sản là "khói bụi"

Trò chuyện với PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) về tình trạng ô nhiễm tại các xã thuộc khu vực Tây Đáy, huyện Thanh Liêm, những người dân nơi đây nói vui đùa nhưng nghe cũng rất đau đớn, đặc sản quê mình là "khói bụi".

Theo người dân, từ việc khai thác đá, chế biến VLXD đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Doanh nghiệp được lợi nhưng người dân phải đánh đổi quá nhiều thứ: mất đi không khí sạch, mất đi nguồn nước sạch để sinh sống và mất đi cả vẻ đẹp của một vùng đất với địa thế “sơn thủy, hữu tình”. Núi ngày càng mất dần sau những tiếng nổ mình như động đất, khói bụi lan khắp nơi, phủ trắng cây cối hoa màu, các ngôi nhà, nguồn nước ô nhiễm. Nhiều người dân còn cho biết: "Ban đêm, chúng tôi vừa ngủ vừa phải đeo khẩu trang". 

  Bạt che bụi trong nhà dân mới được rũ sạch từ sáng cho đến trưa đã bám đầy bụi.
Cây cối phủ một lớp bụi màu trắng từ khai thác và hoạt động vận tải gây ra.

Bà Quách thị Anh - một y tá ở Thanh Tân, Thanh Liêm cho biết: “Tỉ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, đau mắt, lao phổi ở khu vực dân cư Tây Đáy tăng cao một phần nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường”. 

Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Sau nhiều lần liên lạc, PV đã liên hệ được với ông Nguyễn Xuân Tiến - Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Liêm. Ông Tiến cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Tây Đáy đã diễn ra nhiều năm nay. Thế nhưng, Phòng TN&MT huyện Thanh Liêm "chỉ chịu trách nhiệm xử lí một số doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Phòng TN&MT huyện và số này là rất ít; còn lại đa số các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Tây Đáy đều thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam và một số cơ quan chức năng khác".

Để làm rõ hơn tình trạng ô nghiễm môi trường mà người dân phản ánh, PV tiếp tục liên hệ để đặt lịch hẹn với ông Vũ Hữu Song - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên ông này liên tục báo bận họp.

Theo bà Trần Thị Mai - Chánh Văn Phòng Sở TN&MT tỉnh Hà Nam - người chịu trách nhiệm sắp xếp lịch hẹn cho PV cho biết: "Lãnh đạo Sở rất bận, không thể sắp xếp lịch gặp với PV, nên chỉ phân công cho phòng chuyên môn cung cấp tài liệu".

Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy như nói trên đang ở mức báo động, tuy nhiên sự vào cuộc "hờ hững" của cơ quan chức năng khiến người dân càng thêm lo lắng. Dấu hỏi về bảo vệ môi trường sống trước ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy tỉnh Hà Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

  Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang