Ăn gì để tránh ung thư?

author 16:48 01/07/2015

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, hàng năm khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 người tử vong vì căn bệnh ung thư. Vậy làm thế nào để phòng được căn bệnh quái ác này?

Ai cũng có thể bị mắc ung thư

Ung thư là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ngành ung thư ước tính hàng năm trên toàn quốc có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Xu hướng mắc bệnh không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thê giới.     

Theo quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Vì ngày mai tươi sáng, ung thư có thể mắc ở mọi lứa tuổi, các vùng địa lý và mọi hoàn cảnh không kể giàu nghèo. Điều đặc biệt là phần lớn người bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám, chữa bệnh ở giai đoạn muộn và phần nhiều trong số họ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi mắc căn bệnh này do chữa bệnh dài ngày, tốn kém ngay cả với bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT). 

Vậy làm thế nào để phòng tránh căn bệnh quái ác này? Trả lời câu hỏi này, TS. BS. Vũ Văn Vũ (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) cho hay, phần lớn các ung thư liên quan đến các yếu tố môi trường. Do vậy, có thể phòng tránh được bệnh ung thư bằng các biện pháp như: Không hút thuốc, uống rượu; Chế độ ăn uống tốt, hợp lý: đủ dinh dưỡng, nhiều chất xơ; Duy trì vận động thể chất, tránh béo phì; Sinh hoạt tình dục lành mạnh; Tránh phơi nắng quá nhiều; Tránh tiếp xúc với các chất độc hại; Khám sức khỏe định kỳ, trong đó lưu ý chế độ chủng ngừa và điều trị sớm.

Ăn uống thế nào để phòng ung thư?

Theo một kết quả nghiên cứu của ĐH Arizona (Mỹ), mỗi ngày hấp thu 200 mg selen có thể kéo giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến xuống 63%
Lương y - dược sĩ Bàng Cẩm cho hay, ăn uống quyết định sự sống, sức khỏe nhưng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Theo thống kê vài năm gần đây của các nước, 10 loại bệnh hàng đầu buộc bệnh nhân phải nằm viện điều trị đều có liên quan đến ăn uống, trong đó có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh ung thư... Đó là lý do các nhà chuyên môn đã đưa ra “thực đơn mới nhất” phòng chống ung thư bao gồm hãy uống nhiều nước, ăn nhiều tỏi, ăn nhiều rau củ, cam, chanh... 

Hút thuốc gây ung thư

Hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư

Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa lượng nước uống và nguy cơ mắc ung thư kết tràng ở nữ giới cho thấy chị em uống nhiều nước thì nguy cơ mắc bệnh ung thư kết tràng giảm đi 45%.

Đối với tỏi, hành, tỏi chứa hợp chất sulfur giúp tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch với chứng ung thư, cũng như tiềm ẩn khả năng ức chế khối u tăng trưởng. Riêng củ hành giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến. Hành ăn sống hoặc sơ chế có hiệu quả nhất.

Lương y - dược sĩ Bàng Cẩm cũng cho hay, cùng với tỏi, chất lycopen trong cà chua giúp phòng ngừa ung thư kết tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư bàng quang; dầu ô liu giúp cơ thể hấp thu lycopen; món mì chứa nhiều xơ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư kết tràng. Vì thế, dùng 2 tép tỏi băm, hai muỗng dầu ô liu xào với cà chua rồi trộn với mì không chỉ ăn ngon mà còn ngừa ung thư.

Một thực phẩm cũng có tác dụng rất tốt trong phòng chống ung thư theo Lương y - dược sĩ Bàng Cẩm là bông cải xanh, hay còn gọi là một loại “siêu” rau. Nghiên cứu cho thấy việc chế biến bông cải xanh trên lò vi sóng phá hỏng đến 97% chất chống ung thư flavonid, vì vậy nên hấp, ăn sống hoặc nấu canh, làm gỏi thì mới tốt.

Ngoài bông cải xanh, nhiều loại rau củ khác cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư rất hiệu quả. Quả mơ, dưa gang, bí rợ, đu đủ, đào, hồng… chứa beta-caroten, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi thấy rõ, đồng thời giảm tỉ lệ mắc ung thư họng, bàng quang, thực quản, dạ dày, kết tràng, tiền liệt tuyến… Một chuyên gia Phần Lan đã khám phá ra rằng dưa món (hay cải muối) có độ muối thấp, bổ ích cho sức khỏe. Tác giả khuyên trước khi ăn dưa món nên dội rửa để giảm hàm lượng muối.

Nhiều thực phẩm khác như dâu tây, nho, chanh, cam chua, cá... cũng phòng chống bệnh ung thư rất hiệu quả. Đặc biệt, một số loại thức ăn khi hun khói, chiên, rán sẽ sản sinh một chất hóa học tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư là acrylamide. Thế nên, việc các loại khoai tây lát, khoai tây cọng... (vốn chứa nhiều acrylamide) được xem là những thức ăn không tốt cho sức khỏe. Các món thịt nướng có thể sinh ra nhiều chất gây ung thư. Nghiên cứu cho thấy việc “bọc” một lớp chất điều vị dày trên thịt để nướng giúp thịt tránh cháy khét, nhờ đó giảm bớt những chất gây ung thư có thể sinh ra. 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang