Ẩn họa từ dược liệu ‘3 không’ núp bóng bài thuốc gia truyền

author 08:53 29/03/2019

(VietQ.vn) - Dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vẫn bày bán tại nhiều khu du lịch, các điểm di tích, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người sử dụng.

Tràn lan dược liệu chữa ‘bách bệnh’

Tại chùa Hương có khoảng 10 điểm bán các sản phẩm giống thuốc y học cổ truyền được đóng gói, đóng chai hoặc bán theo cân. Các loại dược liệu này được người bán quảng bá “trị bách bệnh” từ đau răng, sỏi thận cho tới bệnh gan, đau đầu, xương khớp… Theo quan sát, các loại thuốc này đều được đựng trong túi nilon trong suốt, không có thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng mà chỉ ghi tác dụng chữa bệnh và liều dùng.

Dược liệu '3 không' bán nhiều ở Chùa Hương. 

Lân la tại một quầy bán dược liệu, hỏi mua một liệu trình thuốc để chữa bệnh dạ dày, người bán dược liệu ở đây cho biết: “Muốn chữa được bệnh dạ dày, phải kiên trì dùng thuốc, ít nhất 3 tháng mới có kết quả. Thuốc dạng bột, chỉ cần cho bột vào nước nguội, sau đó hòa tan là có thể uống được. Với liệu trình 3 tháng, phải dùng 12 gói”. Khi được hỏi về giá, người bán cho biết, mỗi gói thuốc có giá 100 nghìn đồng.

Điều đáng nói, mặc dù được bày bán công khai nhưng nguồn gốc của dược liệu không có giấy chứng minh, người bán cũng không cung cấp giấy chứng chỉ hành nghề nào cho thấy có đủ chuyên môn bán dược liệu. Thế nhưng, họ cứ vô tư hướng dẫn người mua cách sử dụng bằng kinh nghiệm. Mặc dù không biết rõ về thành phần, xuất xứ, thậm chí vẫn còn lơ mơ về công dụng của các sản phẩm được gọi là “thuốc nam”, “thuốc đông y”, “thuốc gia truyền”… được bày bán ở các điểm di tích, cổng đền, chùa, song không ít người vẫn tin và mua theo lời quảng cáo của người bán.

Chị Đinh Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) - khách tham quan chùa Hương bộc bạch: “Nghe quảng cáo sản phẩm có tác dụng chữa bệnh, lại thấy nhiều người mua nên tôi mua về dùng thử xem sao. Người bán giới thiệu hàng loạt tên cây thuốc, tôi cũng chịu, không biết cây gì”…

Các chuyên gia khuyến cáo, nên thận trọng khi sử dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc núp bóng bài thuốc gia truyền để chữa bệnh. (Ảnh minh họa) 

Cẩn trọng rước bệnh vào thân

Mặc dù những túi thuốc bán tại các khu di tích, lễ hội khá “tù mù” về nguồn gốc nhưng rất nhiều người vẫn tin tưởng vào lời quảng cáo bùi tai tự ý mua về sử dụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân vào điều trị do ngộ độc dược liệu, thậm chí có bệnh nhân tử vong. Đặc điểm chung của các ca ngộ độc này đều là tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống mà không qua cơ sở y tế. Các bệnh nhân bị ngộ độc thường nhập viện trong tình trạng da vàng, men gan tăng cao, suy gan, suy thận cấp.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân ngộ độc, bác sĩ Sơn cho biết: Các loại dược liệu không rõ nguồn gốc để có thể lưu trữ trong thời gian dài thường được bảo quản bằng hoá chất. Bên cạnh đó, một số vị thuốc có chứa kim loại nặng như thuỷ ngân trong thần sa, chu sa; chì; asen…

“Người dùng cần đặc biệt cảnh giác với những loại thuốc được bán dạng gói bột, thuốc tễ dạng viên nhỏ… bởi thực chất các loại thuốc này chủ yếu là thuốc tây tán nhuyễn trộn với một số chất khác khi sử dụng dễ gặp phải triệu chứng như rối loạn nội tiết tố, suy nhược cơ thể…”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Từ thực tế nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu chữa trị hoặc sử dụng dược liệu trong điều trị cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn. Cần tránh xa các loại thuốc được bán theo kiểu hàng rong, bán dạo không rõ nguồn gốc để tránh hậu quả đáng tiếc.

Trước đó, Đội QLTT số 26 - Cục Quản lý thị trường Tp. Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Tp. Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh "Thiết Hường”, do bà Nguyễn Thị Hường (trú tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội) làm chủ.

Qua kiểm tra kho hàng tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn nguyên liệu thuốc bắc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định kho hàng có 19 vị thuốc bắc như táo mèo, nhân trần, quy nhật, kim tiền, xa sâm, hoa nhài, sài đất, kinh giới, trạch tả, lá sen, quế chi, xạ đen...

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Dược liệu ‘rởm’ diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường(VietQ.vn) - Hiện nay tình trạng thuốc bắc, dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ thậm chí ngâm tẩm hóa chất đang diễn biến phức tạp.

Mộc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang