Ẩn họa từ pha chế tinh dầu làm đẹp

author 07:31 05/11/2012

(VietQ.vn) - Hiện nay, trên các diễn đàn dành cho các chị em xuất hiện nhiều phương pháp làm đẹp từ các loại tinh dầu thiên nhiên như dầu argan, dầu oliu, dầu dừa, dầu hướng dương, nước hoa hồng… Liệu những loại tinh dầu có nguồn gốc tự nhiên này có thực sự tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng không?

Xu hướng bào chế mĩ phẩm thiên nhiên

Sử dụng mỹ phẩm tự chế thực ra là một biện pháp làm đẹp an toàn được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bởi ngay cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới hiện cũng có thể đem đến những sản phẩm làm đẹp không an toàn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép và nhiều chất bảo quản dễ gây ung thư... Tại Hàn Quốc, nhiều hãng mĩ phẩm như Skin Food, Baviphat, The Face shop đã thành công với các dòng mĩ phẩm tự nhiên chiết xuất từ khoai tây, kiwi, bí đao, cám gạo, bùn khoáng…
 
Ở Việt Nam, nhiều chị em cũng chú ý nhiều hơn đến các loại mĩ phẩm tự nhiên như kem nghệ, kem lột dư leo, kem dưỡng da dê của hãng mĩ phẩm Lan Hảo (Thorakao) hay phấn nụ cung đình Huế làm từ cao lanh, nước hoa hồng của thương hiệu Phấn nụ Bà Tùng… Ngoài các dòng mĩ phẩm thiên nhiên, nhiều trang web cũng chia sẻ các kinh nghiệm làm đẹp từ tinh dầu như dầu dừa, dầu oliu, dầu hướng dương.
Một loại tinh dầu dừa được rao bán trên mạng
Một loại tinh dầu không nhãn mác được rao bán trên mạng
 
Dầu oliu có thể bôi trực tiếp lên da để dưỡng ẩm mùa đông, chống nứt nẻ, se khít lỗ chân lông, hoặc bôi lên tóc để ủ tóc, dành cho các loại tóc khô xơ xác do dùng nhiều hoá chất. Dầu dừa cũng có công dụng tương tự nhưng còn được dùng để bôi lên mi, kích thích mọc dài mi, bôi chân tóc để tránh rụng tóc, trị dầu. Sáp ong cũng được dùng nhiều trong việc chống nứt nẻ, rạn da bụng cho phụ nữ sau khi sinh, bôi dưỡng môi chống nẻ…. Dầu argan cũng rất có tác dụng trong việc chữa tóc khô, xơ rối. 
 
Còn chị Thu Trang (Việt Hưng, Hà Nội) lại cấp cứu mái tóc xơ xác do uốn, ép tạo kiểu nhiều lần bằng chính loại dầu oliu vẫn bán ở các siêu thị. Chị Trang chia sẻ, một lần tình cờ truy cập trang web chuyên về hướng dẫn chăm sóc làm mẹ thấy có một số thành viên chia sẻ kinh nghiệm dùng dầu oliu ủ tóc để tóc mượt mà hơn. Chị ra siêu thị mua chai dầu oliu nguyên chất giá chỉ khoảng 150.000 đồng/nửa lít mà dùng nửa năm mới hết. Tóc càng ngày càng mượt mà hơn. 
 
Cũng theo các công thức trên, chị còn pha trộn dầu oliu với đường để tẩy da chết hoặc dùng làm kem dưỡng ẩm mỗi người. “Nhờ chai dầu đó mà da, tóc tôi ngày càng đẹp hơn. Ông xã khen lắm, vừa rẻ tiền lại đỡ lo hoá chất như mĩ phẩm bán ngoài hàng. Từ ngày trở thành tín đồ của các loại mỹ phẩm tự chế, tôi tiết kiệm được kha khá tiền mua các loại mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản mà hiệu quả làm đẹp lại rất bất ngờ”, chị Trang bật mí.
 
Thận trọng với tinh dầu bán sẵn 
 
Không phải bất cứ loại tinh dầu thiên nhiên, tự chế nào cũng tuyệt đối an toàn với người sử dụng và đem đến công dụng làm đẹp mĩ mãn. Do không có thời gian tự chế biến nên nhiều chị em thường đặt mua các sản phẩm “handmade” được rao bán trên mạng. Hầu hết các sản phẩm này đều được người bán hàng quảng cáo là làm thủ công, nguyên chất 100% nên không sợ pha tạp, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản nên tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng. 
 
Mặc dù, bao bì đóng gói khá thô sơ, không nhãn mác và cũng không qua bất cứ sự kiểm nghiệm của cơ quan y tế nào. Việc làm các loại tinh dầu trên cũng khá đơn giản mà lợi nhuận lại cao. Các loại tinh dầu như dầu dừa hoặc nước hoa hồng chỉ qua một vài khâu xử lí đơn giản như đun, nấu, chưng cất, người bán đã có thể bán ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn đôi, ba lần giá nguyên liệu. Chỉ cần mua khoảng 1kg dừa nạo khô với mức giá  từ 30.000 – 40.000 đồng là có thể đun thành 100 ml tinh dầu dừa nguyên chất và bán với giá khoảng 80.000 đồng. 
Loại tinh dầu được bày bán với các mức giá khác nhau. Không ai đảm bảo an toàn chất lượng của các loại tinh dầu tự chế này
Loại tinh dầu được bày bán với các mức giá khác nhau. Không ai đảm bảo an toàn chất lượng của các loại tinh dầu tự chế này
 
Chị Hà (TP. Hồ Chí Minh), chủ nhân 1 trang web làm đẹp – nơi cung cấp khá nhiều công thức làm đẹp từ các loại tinh dầu dừa, tinh dầu oliu cho biết, tất cả thương hiệu sản xuất đều khẳng định dầu dừa của mình “100% nguyên chất, 100% tinh khiết, công nghệ ép nguội, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản” và hướng dẫn cách phân biệt dầu dừa “tinh khiết” với “tinh luyện”.
 
Nhưng thực tế có đến 90% các cơ sở có pha trộn tạp chất. Là người tự bào chế dầu dừa thường xuyên nên theo cảm nhận của chị, dầu dừa của họ đều loãng và có mùi nhạt (tỉ lệ dầu dừa tinh khiết rất thấp hoặc chỉ là mùi hương liệu), hăng và hơi chua vì dầu đã cũ. Đặc biệt là những loại dầu chỉ có giá khoảng 100.000 – 120.000 đồng/lít bởi mỗi lit dầu dừa nguyên chất thứ thiệt tính theo giá gốc ít nhất cũng đã là 150.000 đồng, chưa kể tiền công nạo, ép, củi lửa, chế biến, tiền vận chuyển…
 
Nguy hiểm hơn có những cơ sở còn dùng chất tẩy rửa trong chế biến dầu dừa và bán với giá “siêu bèo” chỉ 50.000 – 60.000 đồng/lít. Chị nào “lỡ” mua dầu dừa tinh luyện để làm đẹp hoặc uống để chữa bệnh thì không khéo “lợi bất cập hại”, thậm chí “tiền mất tật mang nữa”.
 
Chị Thanh Nga (Bà Triệu, Hà Nội) kể lại, sau khi mua một chai tinh dầu dừa của một người bán hàng trên chợ “ảo” về đã thấy chai có dấu hiệu vẩn đục, mùi rất chua. Bôi lên mặt thì chưa đầy 30 phút, da đã có vết mẩn đỏ thành từng mảng lớn, vừa sưng vừa ngứa. Không hiểu là do chị bị dị ứng với thành phần nào trong đó hay là do mua phải hàng đóng gói, chế biến mất vệ sinh. 
 
Gọi điện mắng vốn người bán hàng thì chị được nghe giải thích là hàng được sản xuất thủ công nên chất lượng cũng “hên xui”. Bản thân người bán hàng cũng không biết cách các loại mỹ phẩm mình làm ra khiến chúng bị biến chất do bảo quản hay không ? Hoặc cũng thu mua lại từ những nguồn khác nên nguyên liệu là chất gì, có pha tạp cũng… không biết.
 
Theo bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y, bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều ca dị ứng do dùng các loại mĩ phẩm hoặc tinh dầu thiên nhiên không rõ nguồn gốc. Phần lớn các loại sản phẩm này đều do người bán tự pha chế, không qua kiểm chứng, có loại còn có thể gây hại, dị ứng cho da. Người mua hàng cũng khó để nhận biết chất lượng của các loại sản phẩm này. Tốt nhất là nên dành thời gian để tự biến, bào chế các loại mĩ phẩm trên. Với các loại tinh dầu thì nên mua ở những cơ sở đảm bảo, có chứng nhận của Bộ Y tế. Đối với các sản phẩm tự chế cần phải xem rõ các phản ứng của các hóa chất có tác động lên nhau không bởi sẽ có những phản ứng hóa học mà người dùng không thể phân biệt bằng mắt thường.  
 
Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều yếu tố khác có thể chi phối chất lượng cũng như hiệu quả của mĩ phẩm, tinh dầu tự chế. Các thao tác thực hiện thủ công có thể làm giảm khả năng kiểm soát yếu tố vệ sinh của sản phẩm, từ khâu thành phần nguyên liệu tới dụng cụ pha chế, lưu trữ sản phẩm. Sự chọn lựa nguyên liệu không được kiểm định khoa học (sản phẩm tự nhiên nhưng lại bị ảnh hưởng bởi hóa chất bảo vệ, tăng trưởng…) cũng có thể khiến sản phẩm không thể hiện được công hiệu, thậm chí cón có thể gây hại cho da.
 
Thanh Phong
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang