Ẩn họa từ thức ăn đường phố: Sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa

author 07:14 29/12/2014

Ngoài lợi thế là nhanh và tiện, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Tại TP.HCM, thức ăn đường phố đã trở thành nét văn hóa đặc thù với số đông người sử dụng. Vẫn biết là thiếu vệ sinh, an toàn, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn vì thuận tiện, phong phú, vừa miệng và hợp túi tiền.

Bệnh vào người vì ăn uống ẩu

Ghi nhận tại một quán cơm bình dân trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), hầu hết chén dĩa sau khi được tráng qua loa trong một xô nước là tiếp tục dùng đựng thức ăn cho khách hàng khác. Vì chén dĩa nhựa, nên việc tráng qua loa như vậy không thể sạch, nhiều khi vẫn còn dính đồ ăn thừa, nước rửa bát,… Đáng nói là chỉ một xô nước nhưng được dùng để rửa hàng trăm chén dĩa trong một buổi.

Duy Thành (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng vì thuận tiện vì gần trường, lại rẻ nên sinh viên tụi em ăn hằng ngày”.

Tương tự, chị Nhung (32 tuổi, quê Tiền Giang) đưa người nhà lên Bệnh viện 115 TP.HCM chữa bệnh, chia sẻ: “Hai ngày nay tôi ăn ở một quán cơm bên đường, nhìn thấy họ chế biến cũng thấy ớn lắm, nhưng đi chữa bệnh nên phải tiết kiệm, chỗ nào rẻ thì ăn để dành tiền lo thuốc thang, chứ dưới quê làm ruộng quanh năm tiền đâu mà vào quán sạch đẹp”.

Theo ghi nhận, các quán ăn bình dân, cơm hộp, thức ăn đường phố, hàng rong thường tập trung tại các trường học, bệnh viện, nơi đông dân cư... Phần lớn khách hàng của loại đồ ăn nhanh này là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo, có thu nhập thấp.

Thức ăn vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo ATVSTP. Tác nhân chính gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến, đặc biệt là trọng bệnh ung thư.

Mô hình kinh doanh điểm nhưng vẫn bẩn

Hầu hết các quán thức ăn vỉa hè ngẫu nhiên mà chúng tôi ghi nhận đều chưa đảm bảo vệ sinh; trong khi đó, những quán ăn được chọn làm mô hình kinh doanh thức ăn đường phố điểm cũng còn nhiều vi phạm.

Cụ thể, tại P.12, Q.4, một trong những nơi được TP.HCM chọn xây dựng mô hình điểm nhằm kiểm soát ATVSTP đối với việc kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cũng chỉ có khoảng 85% cơ sở trên địa bàn có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm. Vẫn còn 8% cơ sở kinh doanh khi đi kiểm tra không có dụng cụ gắp thực phẩm sạch sẽ/găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín, 15% cơ sở vẫn chưa thực hiện việc bày bán thức ăn trên bàn/ giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm.

Bà Văn Thị Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.4, cho biết: “Do thói quen mua bán nhỏ lẻ, nên phần lớn người kinh doanh thức ăn đường phố không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm để chế biến, kinh doanh. Vì vậy, việc quản lý, kiểm soát, truy nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn”.

Tương tự, tại P.Tân Thành (Q.Tân Phú), cũng là nơi được TP chọn xây dựng mô hình điểm nhằm kiểm soát ATVSTP đối với việc kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra 116 cơ sở, phát hiện 39 cơ sở vi phạm các chỉ tiêu về ATVSTP.

Ngày 27-12, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết, trên địa bàn TP.HCM có 20.038 cơ sở đăng kí kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, trong quí 4/2014, qua kiểm tra 16.125 cơ sở, phát hiện hơn 8.000 nơi vi phạm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm (chiếm 50%). Trong đó, đáng chú ý là 74% cơ sở khi được kiểm tra không trình được sổ sách ghi rõ nguồn gốc thực phẩm.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Mai, vẫn còn hơn 66% người kinh doanh thức ăn đường phố không được khám sức khỏe định kì; 56% người kinh doanh thức ăn đường phố không được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng chú ý, còn gần 20% nơi kinh doanh chưa sạch sẽ, chưa cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, nơi bày bán gia súc, gia cầm,…) và gần 20% cơ sở vẫn để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín.

 Việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay rất khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động, người kinh doanh thường thiếu kiến thức và thực hành an toàn thực phẩm. Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bài trừ những loại thức ăn đường phố mất ATVSTP không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt của cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào người tiêu dùng biết nâng cao cảnh giác, nói “không” với những loại thức ăn kém an toàn này.

Theo CAO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang