An toàn thực phẩm: Những sự kiện nổi bật năm 2016

authorĐỗ Thu Thoan 06:30 24/01/2017

(VietQ.vn) - Ra mắt chương trình truyền hình "Nông nghiệp sạch – Cho người Việt Nam, cho Thế giới", Bí thư Thăng ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”, Hà Nội quyết bài trừ thực phẩm bẩn... là những sự kiện nổi bật về an toàn thực phẩm năm 2016.

Thực phẩm bẩn đã và đang là vấn nạn đau đầu đối với người Việt Nam. Năm 2016 đánh dấu một năm Chính phủ và Lãnh đạo các Ban, ngành cùng chung tay, quyết tâm mạnh mẽ, đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống người Việt, mang lại hy vọng về một đời sống "không thực phẩm bẩn".

Cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện ghi dấu ấn về thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, quyết tâm đẩy lùi thực phẩm bẩn trong năm 2016.

Ra mắt chương trình truyền hình “Nông nghiệp sạch – Cho người Việt Nam, cho Thế giới”

Ngày 10/10/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp chỉ đạo và ra mắt chương trình truyền hình thực tế "Nông nghiệp sạch – Cho người Việt nam, cho thế giới" tại Hà Nội.

an-toan-thuc-pham-nhung-su-kien-noi-bat-nam-2016

Ra mắt chương trình truyền hình “Nông nghiệp sạch – Cho người Việt Nam, cho Thế giới” 

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc VTV cùng đại diện lãnh đạo Ngân hàng, Hiệp hội.

Tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: Chương trình “Nông nghiệp sạch” khởi động nhằm khẳng định quyết tâm đưa nền nông nghiệp Việt hướng tới nông nghiệp sạch cho người Việt và cho thế giới. Chương trình là công cụ 3 chức năng: Truyền thông - hỗ trợ - góp phần tiêu thụ sản phẩm; hướng tới nền nông nghiệp sạch và xuất khẩu sạch.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp là rất lớn cùng đó, sự khéo léo, chăm chỉ của người nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản có chất lượng. Vấn đề là làm sao để sản phẩm đó có chỗ đứng và sức cạnh tranh cao. Đây là điều mà toàn xã hội mong đợi và cần sự chung tay của tất cả, đặc biệt là sự truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng. 

Tại cuộc họp báo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - đơn vị tài trợ chính đã công bố chương trình tín dụng trị giá 50 nghìn tỷ đồng cho một nền nông nghiệp sạch. Chương trình tín dụng sẽ được Agribank dành cho vay phát triển sản xuất nông sản sạch tại tất cả các địa phương trong cả nước. Gói tín dụng này sẽ được triển khai cho vay từ ngày 1/11/2016 với đối tượng là tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại tham gia sản xuất trong chương trình, chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.

Chương trình "Nông nghiệp sạch – Cho người Việt nam, cho thế giới" được lên sóng từ 1/11/2016 vào lúc 18h20 hàng ngày trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình thực hiện theo hình thức truyền hình thực tế, quảng bá cho nông sản Việt Nam, từ đó truyền đi thông điệp, định hướng về một nền nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

“Nói không với thực phẩm bẩn”

Vào sáng 1/42016, tại TP.HCM, Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình “Nói không với thực phẩm bẩn”. Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và TP cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch.

an-toan-thuc-pham-nhung-su-kien-noi-bat-nam-2016

VTV tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình “Nói không với thực phẩm bẩn”

Ông Trần Bình Minh - Tổng giám VTV nhấn mạnh: Hiện nay vấn nạn thực phẩm bẩn khiến người dân hoang mang, lo lắng. Chính phủ đang nỗ lực bài trừ, với chương trình này, VTV sẽ đồng hành cùng khán giả nói không với thực phẩm bẩn, để bảo vệ sức khỏe của mỗi người cũng như giống nòi dân tộc.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chương trình là rất thiết thực và có ý nghĩa lớn, đồng thời kỳ vọng sẽ cùng các cơ quan chức năng, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong chống lại thực phẩm bẩn.

Bí thư Đinh La Thăng khẳng định sẽ dần loại thực phẩm bẩn khỏi bữa ăn của người dân

Ngày 5/10/2016, tại buổi làm việc với cử tri huyện Hóc Môn (TP.HCM) để nghe những kiến nghị của người dân trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa 14, Bí thư Đinh La Thăng đã có những lời "gan ruột" về về tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Theo đó, ông Đinh La Thăng cho biết TP đã đề xuất thành lập Sở an toàn thực phẩm trên cơ sở những bộ phận tách ra từ 3 cơ quan trước đây là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Công thương.

“Chúng ta đưa về một đầu mối và sẽ quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông đến khâu tiêu thụ, để dần dần loại thực phẩm bẩn khỏi bữa ăn của người dân” – ông Đinh La Thăng cho hay.

an-toan-thuc-pham-nhung-su-kien-noi-bat-nam-2016

Thực phẩm bẩn sẽ dần được loại bỏ khỏi bữa ăn của người dân - Ảnh minh họa 

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, ngoài việc TP có 13 triệu dân thì nơi đây còn là đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm, các hóa chất, phụ gia cho cả vùng nên phải tăng cường quản lý.

“Tôi tin rằng trong năm tới vấn nạn này sẽ được giải quyết nếu được sự vào cuộc của tất cả người dân” – ông Đinh La Thăng nói.

Người tiêu dùng được thưởng tiền khi tố giác vi phạm an toàn thực phẩm

Năm 2016, tháng hành động vì ATTP của Hà Nội đã diễn ra từ 15/4 đến 15/5 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, nhằm tập trung giải quyết các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cùng đó, Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố tổ chức thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra ATVSTP.

Ngoài ra, để khuyến khích việc tham gia tố giác hành vi vi phạm ATVSTP, Bộ NN&PTNT ban hành cơ chế thưởng cho người dân nào báo tin có giá trị về thực phẩm bẩn với số tiền thưởng từ 1-50 triệu. Sau khi tiếp nhận đơn tố giác và xử lý các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ trao thưởng tiền và giấy khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người tố giác.

Kinh phí dành để thưởng cho người báo tin sẽ được cơ quan chức năng điều chỉnh từ các nguồn thưởng của Bộ. Đồng thời, số tiền từ những vụ xử phạt hành chính do thông tin người dân báo về cũng sẽ được trích ra để thưởng nóng.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP luôn khuyến khích và biểu dương mọi thông tin tố giác của người tiêu dùng về thực phẩm bẩn và khi người tiêu dùng ngại hoặc không tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm do mối quan hệ quen biết hoặc sợ bị trả thù thì chính họ đã dung túng với tội ác.

Sử dụng, kinh doanh chất cấm trong sản xuất và bảo quản thực phẩm sẽ bị bỏ tù

Từ 1/7/2016, bên cạnh việc phạt tiền, Việt Nam cũng sẽ bỏ tù những người sản xuất – kinh doanh chất cấm từ 1 – 20 năm theo Bộ Luật hình sự mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2015.

an-toan-thuc-pham-nhung-su-kien-noi-bat-nam-2016

Từ 1/7/2016 sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến và bảo quản sẽ bị bỏ tù - Ảnh minh họa

Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm.

“Tôi nghĩ sau 1/7, bất cứ tổ chức cá nhân nào khi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng chất cấm sẽ cân nhắc hơn, sẽ không đáng vì lợi nhuận để ngồi tù”, ông Nguyễn Văn Việt – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng phát biểu.

Theo quy định hiện hành, với trang trại chăn nuôi vi phạm lần đầu, số gia súc ngậm chất cấm sẽ được để nuôi, đợi đến khi hết chất cấm sẽ đưa vào tiêu thụ.

Trước thông tin đó, tất cả đều hy vọng chế tài mới sẽ đủ sức răn đe với những cá nhân, tổ chức sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất, buôn bán…

Đỗ Thu Thoan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang