Ấn tượng hoạt động KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ

author 12:27 26/10/2017

(VietQ.vn) - Thời gian qua, hoạt động KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hôm nay, 26/10, Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các tỉnh vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV được tổ chức 2 năm một lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của Vùng giai đoạn 2015-2017, định hướng hoạt động giai đoạn 2018-2020.

Theo báo cáo, giai đoạn 2015 - 2017, hoạt động KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ năm 2015 – 2017, vùng Đông Nam Bộ đã có 1.090 nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp tỉnh được triển khai (trong đó, 193 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2015). Trong đó, tỉ lệ các đề tài ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%; Y - dược 20%; Khoa học nông nghiệp 19%; Khoa học xã hội 15,7%; Khoa học nhân văn 6,6%; Khoa học tự nhiên 6,4%. Các địa phương trong Vùng đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của Vùng và từng địa phương. Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai từ tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp với 28,5% giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 19% giai đoạn 2015 – 2017, khoa học kỹ thuật và công nghệ từ 24,1% lên 32,3%. Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn (TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đều xây dựng chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố đề xuất Bộ KH&CN tổ chức hỗ trợ nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình, dự án cấp nhà nước/quốc gia như Chương trình Nông thôn miền núi; Chương trình Sản phẩm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao,…

Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV.

Theo đó, KH&CN trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong công nghiệp, xây dựng. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm chính của doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Có thể ví dụ như Chương trình phát triển vi mạch của Tp. HCM đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chíp thế giới (đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN); Nhóm sản phẩm điện kế điện tử thông minh; hệ thống HES trong lưới điện thông minh với các thiết bị sử dụng vi mạch Việt và phần mềm Việt; Sản phẩm chip cảm biến áp suất. Thành phố tiếp tục phát huy Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu (Chương trình 04) và Chương trình chế tạo Robot công nghiệp nhằm phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kết quả KH&CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại. Nhiều tiến bộ KH&CN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa, quả như: Nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất rau, hoa, quả theo qui trình GAP, công nghệ cao... Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý và được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn, có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như: Mỹ, châu Âu…

Trong lĩnh vực khoa học y – dược, nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, giải quyết được những vấn đề nan giải trong y học như: “Đánh giá mối tương quan giữa nồng độ Homocysteine máu và các chỉ số trong hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện tỉnh Bình Thuận”, “Nghiên cứu khảo sát tần suất chậm phát triển tâm thần của học sinh tiểu học tại TP.HCM và xác định các yếu tố di truyền gây bệnh”, “Nghiên cứu tạo yếu tố tăng trưởng tái tổ hợp từ tiểu cầu (Plateletderived growth factor-PDGF)” là một nghiên cứu mới ở Việt Nam và trên thế giới, có khả năng thương mại hóa thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài/dự án đã nghiên cứu về một số vấn đề xã hội trong tình hình mới như định hướng hoàn thiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; vấn đề về liên minh giai cấp, tôn giáo, dân tộc ở nước ta trong điều kiện mới xây dựng mô hình nông thôn mới dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc, tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống của từng địa phương. Một số đề tài tiêu biểu như: "Giải pháp tăng tỉ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Tây Ninh”, "Khai quật, nghiên cứu và bảo tồn khu di tích Vòng Thành Đá Trắng tại huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu",…

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các kết quả điều tra cơ bản và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên đã tạo luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai. Một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Đề tài “Điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng một số nguồn nước khoáng mới phát hiện trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý”, "Điều tra chỉnh lý bản đồ đất, xây dựng bản đồ đánh giá đất đai 1/50.000, đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bình Dương",…

Các Sở KH&CN trong Vùng đã đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, tổ chức và tham gia thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ, góp ý, tư vấn về công nghệ, kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải, y tế, sản xuất công nghiệp, quy hoạch đô thị, góp phần ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Từ 2015 - 2017, toàn Vùng đã tiến hành thẩm định 78 dự án đầu tư; thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 34 dự án; đánh giá trình độ cho 911 công nghệ.

Các Sở KH&CN trong Vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 1.181 cơ sở; thẩm định, cấp phép, gia hạn cho 1.010 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; thường xuyên kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở các địa phương đã chủ động, tích cực đồng hành đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa… Đã có 40.593 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; 17.747 văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã được cấp từ 2015 – 2017.

Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang