Ấn tượng kinh tế Việt Nam 2019

author 06:43 27/01/2020

(VietQ.vn) - Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7%, tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp, Việt Nam xuất siêu trên 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay.

Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam

Trong năm 2019, với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/ tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đã vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau của tháng 12, đúng 2 năm sau con số 400 tỷ USD được thiết lập. Đây là con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2019, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

 Tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đã đưa mức tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 7% trong năm 2019.

Theo các chuyên gia kinh tế, con số 500 tỷ USD kim ngạch XNK hai chiều quả thực là dấu mốc, giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới, hàng hóa Việt Nam cũng đã xuất khẩu đến 200 thị trường. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn (2016-2020) lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra tăng trưởng 7 – 8% so với năm 2018, trong khi kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cùng với đó quy mô XNK tiếp tục mở rộng với 32 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng cải thiện. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu. Hầu hết các thị trường trọng điểm của nước ta là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô – đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2018 là 29,16%).

Đáng chú ý, tăng trưởng bền vững trong cả hai lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đã đưa mức tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 7%, bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế trong khu vực do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với những kết quả tích cực của nền kinh tế trong năm 2019, nhiều tổ chức nước ngoài đã đồng loạt đánh giá, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng, tiếp tục phát triển trong năm 2020 và những năm
tiếp theo.

Tạo đà bứt phá cho năm tiếp theo

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước; xuất nhập khẩu của nhiều nền kinh tế trên thế giới có xu hướng suy giảm,... thì những con số ấn tượng trên là điều đáng mừng.

Năm 2019 tiếp tục đánh dấu một năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có kết quả ấn tượng.

Đạt được kết quả đó là nhờ những năm qua, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các mục tiêu điều hành là cải thiện cơ cấu hàng XK, không chỉ hướng về chiều rộng mà còn tăng trưởng về chiều sâu. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 nhưng thực tế, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại từ năm 2016 và con số này ngày càng tăng, đến năm 2019 đã đạt mức xuất siêu kỷ lục - trên 11 tỷ USD. Sự tăng trưởng xuất khẩu trên cho thấy nỗ lực rất cao của các doanh nghiệp Việt Nam trong nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA). Hiện Việt Nam đang đàm phán ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được triển khai thực hiện, giúp hàng hóa dịch vụ của Việt Nam có điều kiện cạnh tranh thuận lợi với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Qua số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng cao ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Mexico. Kết quả khả quan của năm 2019 sẽ là tiền đề tạo sự bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức.

Nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8% trong năm 2020, theo các chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế. Đặc biệt, tiếp tục nỗ lực trong hợp tác với các đối tác thương mại, nhất là đối tác có FTA để khai thác thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cải cách để xây dựng môi trường kiến tạo, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần đảm bảo phát triển bền vững hoạt động XNK, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc thực hiện Hiệp định CPTPP; tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định thương mại Việt Nam- EU (EVFTA) vừa được ký kết tháng 6/2019. Tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đã đưa mức tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 7% trong năm 2019.

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2019: Toả sáng và trăn trở(VietQ.vn) - Kinh tế Việt Nam đã tỏa sáng trong năm 2019, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó. Tuy nhiên, một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng như Việt Nam khó tránh khỏi nhiều tác động bất lợi.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang