Ánh sáng Mặt trời có khả năng tiêu diệt virus corona hay không?

author 06:45 27/04/2020

(VietQ.vn) - Nghiên cứu mới của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho thấy, tia cực tím có trong ánh sáng Mặt Trời có khả năng làm suy yếu, giảm số lượng virus corona trên các bề mặt và trong không khí.

Theo ông William Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, các thí nghiệm được tiến hành bởi Trung tâm đối phó và phân tích phòng vệ sinh học quốc gia ở Maryland.

Kết quả cho thấy thời gian để lượng virus corona chủng mới giảm một nửa là 18 giờ khi nhiệt độ ở mức 21 - 24 độ C và độ ẩm 20% trên bề mặt không rỗng như tay nắm cửa và thép không gỉ. Nhưng khoảng thời gian giảm xuống 6 giờ khi độ ẩm tăng lên 80% và tiếp tục giảm còn 2 phút khi bổ sung thêm ánh sáng Mặt Trời. 

Ảnh minh họa 

Đối với virus corona ở trong các giọt chất lỏng li ti lơ lửng trong không khí, thời gian để số lượng của chúng giảm còn một nửa là một giờ khi nhiệt độ 21 - 24 độ C và độ ẩm 20%. Khi có ánh sáng Mặt Trời, khoảng thời gian giảm xuống chỉ còn 1,5 phút. Bryan kết luận thời tiết mùa hè sẽ tạo ra môi trường làm giảm sự lây lan của virus corona.

Tuy nhiên, Bryan cũng nói thêm việc giảm lây lan không có nghĩa mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và không nên gỡ bỏ hẳn giãn cách xã hội vào thời điểm này. 

"Quan sát đáng chú ý của chúng tôi tính đến thời điểm này là tác động tiêu diệt virus corona của ánh sáng Mặt Trời cả trên các bề mặt và trong không khí. Chúng tôi cũng nhận thấy hiệu quả tương tự từ nhiệt độ và độ ẩm. Cụ thể, nhiệt độ và độ ẩm gia tăng tạo ra điều kiện kém thuận lợi cho sự phát triển của virus corona", ông Bryan nói. 

Trước đó, các chuyên gia Đại học Trung Sơn tại Quảng Đông (Trung Quốc) cũng nhận định, virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 có thể lây lan nhanh nhất ở 8,720C. Virus corona cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao nên có thể ít lây lan hơn tại các nước có thời tiết ấm áp. Do vậy, các nước có nhiệt độ thấp nên áp dụng những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt hơn.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy nCoV phát triển trong thời tiết lạnh khô tốt hơn so với môi trường nóng ẩm và tỷ lệ lây lan thấp hơn ở các nước tại Nam bán cầu, nơi đang bước vào đầu mùa thu và vẫn ấm áp.

Đơn cử như trường hợp của Australia ghi nhận 7.000 ca nhiễm bệnh và 77 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở Bắc bán cầu. Lý do được cho là những giọt dịch lỏng chứa virus lưu lại lâu hơn trong không khí khi thời tiết lạnh và virus thoái hóa nhanh hơn ở bề mặt nóng do lớp màng chất béo bảo vệ chúng khô nhanh hơn.

Bảo Lâm (Theo Accu Weather, Washington Post)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang