Áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Green Việt Nam

author 15:42 25/09/2020

(VietQ.vn) - Công ty Cổ phần Thực phẩm Green Việt Nam chuyên sản xuất các loại bánh quy cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Công ty đã đạt chuẩn ISO 9001:2015 nhờ việc mở rộng, cải tiến quy mô sản xuất cũng như chú trọng đến việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ công nhân viên (CBCNV) có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực bánh nướng.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Green Việt Nam được thành lập năm 2013 thuộc cụm công nghiệp làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Công ty Green chuyên sản xuất các loại bánh quy cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Công ty đã đạt chuẩn ISO 9001:2015 nhờ việc mở rộng, cải tiến quy mô sản xuất cũng như chú trọng đến việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ công nhân viên (CBCNV) có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực bánh nướng.

Trong những năm vừa qua, sản phẩm bánh quy của công ty Green đã tạo dựng được uy tín chất lượng trong lòng người tiêu dùng cũng như trở thành nhà thầu phụ của nhiều thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam, Nhật Bản nhờ vào việc xây dựng quy trình sản xuất và nâng cấp hệ thống máy móc sản xuất tự động.

Quy trình sản xuất bánh được làm trên dây chuyền khép kín từ khâu nhào trộn bột, tạo hình và nướng bánh để từ đó đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Thực phẩm Green Việt Nam thuộc làng nghề La Phù, Hoài Đức, Hà Nội được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Với tinh thần năng động và sẵn sàng đổi mới, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty Green có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề.

Quy trình sản xuất bánh quy tại công ty Green gồm các công đoạn chính như sau: Nhập nguyên liệu sản xuất; Trộn nguyên liệu bánh; Định hình bánh; Chuyển bánh bán thành phẩm đến lò nở; Chuyển bánh bán thành phẩm từ lò nở vào khu vực nướng, sấy; Phun dầu, phun hương lên bánh thành phẩm; Chuyển bánh thành phẩm sang khu vực làm nguội; Đóng gói bánh quy thành phẩm.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Green hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong các công đoạn quy trình sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần trong việc tiếp tục mở rộng và tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty Green như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát trực tiếp nhằm tìm hiểu thực trạng phân xưởng sản xuất và nhận diện những mặt hạn chế tại công ty Green để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Công ty có thế mạnh về mặt bằng sản xuất và danh sách khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, do tại công ty Green chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý sản xuất chuyên nghiệp nên đã gây ra nhiều lãng phí không cần thiết trong quá trình sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Hiện trường phân xưởng sản xuất tại thời điểm khỏa sát (nguyên vật liệu, thành phẩm sắp xếp thiếu khoa học, tiếp đất). 

Tại thời điểm khảo sát phân xưởng, các mặt hàng bánh quy được sản xuất dựa chủ yếu vào kinh nghiệm hoặc máy nướng, chưa theo hệ thống quản lý chất lượng hiện đại. Tại phân xưởng sản xuất chưa có hiển thị trực quan, việc quản lý và phân bổ lao động tại các công đoạn chưa chuyên nghiệp đã dẫn đến việc thừa, thiếu nhân công tại một số công đoạn, ý thức người lao động (NLĐ) chưa cao. Ngoài ra, việc mất cân đối tại các công đoạn đã gây ra tình trạng ùn hàng tại kho thành phẩm và sau nướng. Bên cạnh đó, việc nguyên vật liệu, thành phẩm (đã đóng gói, chưa đóng hộp) tiếp đất đã cản trở việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau: Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) Đào tạo ứng dụng Kaizen cải tiến hiện trường sản xuất Kaizen Gemba cho toàn bộ CBCNV và NLĐ để nâng cao nhận thức và tác nghiệp cải tiến hiện trường; (2) Ứng dụngKaizen 5S sàng lọc sắp xếp lên pallet giúp nâng cao chất lượng kho nguyên vật liệu và vật tư đóng gói, đảm bảo chất lượng đầu vào; (3) Khắc phục tình trạng hàng ùn tồn đọng quá lâu chờ đóng gói và hàng để trực tiếp trên đất; (4) Khảo sát đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào và trang thiết bị liên quan để phát hiện và loại bỏ thao tác thừa lập quy trình nâng cao chất lượng kiểm hóa nguyên liệu chế biến; (5) Đăng tải thông tin doanh nghiệp lên trang website của Trường Đại học Ngoại thương và mời doanh nghiệp tham gia CLB doanh nghiệp làng nghề để kết nối và truyền thông xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Bổ sung, điều chỉnh chính sách lương và thưởng để khuyến khích tạo động lực, quản lý lao động để từ đó khắc phục tình trạng lao động làng nghề tự do dịch chuyển, bỏ việc giữa chừng gây khó khăn cho doanh nghiệp; (2) Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa ban giám đốc công ty và NLĐ thông qua các cán bộ quản lý hoặc trực tiếp để nắm tâm tư, nguyện vọng của tập thể; (3) Thường xuyên đào tạo chuyên môn nâng cao tay nghề cho lao động mới tuyển dụng nhằm thu hẹp khoảng cách về năng suất và thu nhập giữa các lao động cùng công đoạn; (4) Tăng cường cơ chế khen thưởng chuyên cần và năng suất để tạo động lực cho NLĐ đi làm thường xuyên hơn; (5) Bổ sung chính sách BHYT và các quyền lợi an sinh xã hội khác để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp; (6) Tổ chức các hoạt động thi đua khen thưởng và sinh hoạt văn hóa để mọi người gần gũi đoàn kết nhau hơn, hỗ trợ hơn nữa trong lao động sản xuất.

Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, tại công ty Green đã thu được các kết quả như sau: 

Phân xưởng sản xuất sau khi áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen 5S.

 

Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) 100% CBCNV được tham gia đào tạo tại chỗ nâng cao nhận thức về Kaizen và cam kết sẽ ứng dụng sau đào tạo; (2) Giảm 75% chất lượng bánh quy kém chất lượng trong kho hàng thành phẩm; (3) Thực hành Kaizen Gemba ghi chép lỗi công đoạn để phân tích nguyên nhân và giải quyết vấn đề; (4) Hạn chế lỗi và tăng năng suất 25% tại bộ phận kiểm bánh thành phẩm; (5) Giảm 30% cycle time công đoạn phân loại bánh và đóng gói đơn lẻ; (6) Tăng 60% diện tích sản xuất thông qua việc sàng lọc, sắp xếp, vệ sinh theo các tiêu chí Kaizen 5S; (7) Tăng 5 lần số dụng cụ hướng dẫn trực quan tại khu vực công cộng và phân xưởng sản xuất;

Hệ thống tạo động lực cho NLĐ: (1) Gia tăng 20% số lượng công nhân chuyên cần gắn bó trung thành 100%; (2) Tăng 50% số lượng NLĐ được hưởng BHYT do công ty chi trả; (3) Tăng gấp 2,5 lần các điều khoản khuyến khích tạo điều kiện cho NLĐ về trả lương thưởng và phụ cấp; (4) 100% CBCNV được chăm sóc sức khỏe, ăn uống miễn phí khi tăng ca; (5) 100% CBCNV đều được tặng quà, thưởng vào các ngày lễ lớn.

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty Cổ phần Thực phẩm Green Việt Nam tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Áp dụng hệ thống quản lý hiện đại- Tăng sức bật cho doanh nghiệp CNHT Hà Nội (VietQ.vn) - Sở Công Thương Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) áp dụng hệ thống quản lý hiện đại vào sản xuất, tận dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng sức bật cho doanh nghiệp CNHT tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PGS. TS Bùi Anh Tuấn, TS. Bùi Duy Linh, ThS. Phạm Thị Mỹ Hạnh - Trường Đại học Ngoại thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang