Áp dụng các công cụ cải tiến năng suất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

author 06:40 11/08/2020

(VietQ.vn) - Các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tồn tại và phát triển thông qua việc tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh; cung cách dịch vụ tốt…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế một cách tích cực và sâu rộng thì yếu tố năng suất và chất lượng là hết sức quan trọng. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712).

Doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Sau gần 10 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những lợi ích lớn đối với doanh nghiệp. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì đã và đang hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, KPIs, MFCA, LSS...; đồng thời thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương được chia sẻ, nhân rộng.

Các mô hình điểm triển khai tại doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, như tại Công ty Cổ phần may Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/mã hàng xuống còn 32 giờ/mã hàng. Năng suất lao động tại phân xưởng may tăng 20 - 30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 5%.

Tại Tổng công ty May Đức Giang và 5 doanh nghiệp thành viên, sau khi áp dụng công cụ cải tiến Lean, đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động bình quân từ 8 - 10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi hỏng trên chuyền từ 15 - 25% xuống còn 10 - 12%.

Nhà xưởng Tổng công ty May Đức Giang gọn gàng sạch sẽ sau khi triển khai 5S và Lean.

Hay tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đổi mới công nghệ và áp dụng công cụ cải tiến năng suất ở dây chuyền lắp ráp là Lean Six Sigma, giúp năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm, mô hình này đã được nhân rộng sang các dây chuyền khác trong ngành, năng suất lao động tăng từ 10 - 20% của toàn công ty.

Cần tiếp tục triển khai Chương trình 712 trong giai đoạn tiếp theo

Mặc dù việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến đem lại hiệu quả ở nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các hoạt động này.

Bà Vũ Hồng Dân - Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, cản trở đầu tiên là sức ì tâm lý, kể cả lãnh đạo. Nghĩa là, dù người lãnh đạo muốn thay đổi nhưng đôi khi vẫn theo phản xạ với guồng cũ.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý cũng phải có hàng chục hệ thống quản lý khác nhau. Doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn cái gì. Bởi vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng và làm có lộ trình chứ không phải cái gì chúng ta cũng chọn nó sẽ giống như các món ăn, cái gì cũng cho vào thì thành như lẩu thập cẩm. 

Để Chương trình 712 thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho rằng, cần tiếp tục tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng suất, chất lượng, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng.

Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia và các nhà quản lý, công cuộc cải tiến có thể làm ở các quy mô khác nhau, áp dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng. Để cải tiến năng suất, các doanh nghiệp cần có sự đồng thuận giữa ban lãnh đạo và nhân viên; Xác định rõ những vấn đề mang tính chiến lược, có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp hoặc liên quan đến những vấn đề khách hàng không hài lòng về doanh nghiệp; Lựa chọn phương pháp và đối tác hỗ trợ phù hợp… 

Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu quan điểm đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai Chương trình 712 trong giai đoạn tiếp theo và đề nghị cần có sự tham gia tích cực của cơ quan đại diện doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ(VietQ.vn) - Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 115/NQ-CP đề ra là hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang