Áp dụng công cụ Lean hay JIT: Trợ lực giúp doanh nghiệp đứng vững trước đại dịch

author 06:17 25/07/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh Covid bùng phát khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là đối với hàng tồn kho. Vậy nên, việc áp dụng công cụ Lean hay JIT trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Bởi nếu áp dụng đúng công cụ sẽ là trợ lực giúp doanh nghiệp đứng vững trước đại dịch.

Khi kể về cách thế giới hiện đại được xây dựng, Toyota nổi lên như một tượng đài trong đẩy mạnh hiệu quả sản xuất. Hãng sản xuất ôtô của Nhật Bản đi tiên phong với phong cách sản xuất "Cần là có" (Just in time). Các bộ phận được chuyển đến nhà máy ngay khi chúng được yêu cầu, có nghĩa là giảm thiểu việc tích trữ.

Nửa thế kỷ qua, cách sản xuất này được áp dụng trên khắp thế giới, từ thời trang đến chế biến thực phẩm và cả dược phẩm. Các công ty sử dụng "Just in time" để giúp họ trở nên linh hoạt, dễ dàng thích ứng với các thay đổi về nhu cầu của thị trường và giảm thiểu chi phí.

Nhưng Covid-19 bùng phát trở thành thách thức không nhỏ đối với hàng tồn kho, đồng thời làm dấy lên lo ngại một số ngành đã cắt giảm quá mức, khiến chúng trở nên dễ bị gián đoạn. Đại dịch đã cản trở việc vận hành của các nhà máy, việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã trở nên điêu đứng do thiếu hụt nhiều loại hàng hóa - từ đồ điện tử đến gỗ hay thậm chí quần áo.

Mọi hệ thống tinh gọn đều không có nghĩa lý gì nếu đầu ra của hệ thống đó không làm thỏa mãn khách hàng vào đúng lúc khách hàng cần – đó cũng là phương châm của các doanh nghiệp chuyển đổi Lean. Hầu hết doanh nghiệp Lean sẽ thiết kế hệ thống theo Just In Time (JIT), và khi các doanh nghiệp đều JIT, chuỗi cung ứng JIT toàn cầu sẽ được hình thành, trong đó động lực chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn đầu chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, qua câu chuyện của việc thiếu hụt giấy vệ sinh ở Mỹ, mà người ta đổ lỗi cho hệ thống JIT thì có lẽ nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Lean Manufacturing còn phù hợp khi thế giới ở thời đại bất ổn như hiện nay? Khi mà có thể sau này ngoài Covid 19, chúng ta còn những đại dịch khác nguy hiểm hơn, dẫn đến một lúc nào đó chuỗi cung ứng gặp vấn đề như hiện tại?

Áp dụng công cụ Lean hay JIT trong bối cảnh đại dịch Covid-19?
 Việc áp dụng công cụ Lean hay JIT để giúp doanh nghiệp đứng vững trước đại dịch phụ thuộc vào việc mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất cũng như góc nhìn của lãnh đạo đối với từng công cụ sau những phân tích chuyên sâu về mặt thuận lợi và khó khăn của từng công cụ.

 

Đọc qua rất nhiều bài viết từ các chuyên gia Lean hàng đầu thế giới, họ đều có một sự “bênh vực” nhất định cho một hệ thống Lean trong tương lai. Và tôi cũng nằm trong số đó.

Nói về Lean và JIT, bản thân nó hướng tới một hệ thống sản xuất và cung ứng tinh gọn, nhắc lại rằng triết lý của Lean có lẽ vẫn còn được dùng rất lâu nữa, ở đâu phát sinh quy trình, con người, nguyên liệu, máy móc thiết bị thì nơi đó cần phải được tối ưu chi phí. Bạn sẽ không thể sản xuất 10 sản phẩm mà lỗi mất 4 cái, bởi nếu vậy khách hàng sẽ phải gánh thêm 40% chi phí, họ sẽ không thoải mái chút nào, và tất nhiên sẽ chọn đơn vị rẻ hơn bạn 40%.

Ngoài ra, hệ thống Lean cũng đặt cho chúng ta yêu cầu: với sự biến động của nhu cầu, mức độ cá nhân hóa càng cao, làm sao có thể chuyển đổi sản xuất một cách nhanh chóng và linh hoạt nhất với nguồn lực hiện tại, với một chi phí tối ưu nhất. Để dễ hình dung, ta lấy ví dụ của Vinsmart (tôi chưa mục sở thị hệ thống của họ) nhưng chỉ trong thời gian ngắn, họ đã chuyển đổi từ sản xuất điện thoại sang sản xuất máy thở và cung ứng cho thị trường. Đó chính là tinh thần của Lean.

Doanh nghiệp may mặc ứng dụng công cụ LEAN. 

Nói về JIT, quả thực đã có những bất ngờ khi dịch bùng nổ, nhu cầu tăng một cách đột biến và cao hơn nhiều lần ở một số mặt hàng, lượng tồn kho tối thiểu (được coi như vùng đệm an toàn) cũng bị vượt qua nhanh chóng dẫn tới thiếu hụt hàng. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, khi nhu cầu được thiết lập, hệ thống JIT đã trở lại trạng thái ban đầu. Nhưng điều này khiến chúng ta có chút bối rối khi hỏi rằng: Liệu JIT có thể là một giải pháp luôn phù hợp trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi JIT sang JIC (Just In Case) như một cách đối ứng với thời đại bất ổn như hiện nay, trọng tâm của họ là tạo một vùng đệm tồn kho cao hơn mức bình thường của JIT, họ dựa trên tính toán chi phí có thể tổn thất khi thiếu hụt hàng dẫn đến mất khách hàng hoặc mất chuỗi cung ứng của họ. Theo tôi đây là một hướng chuyển đổi phù hợp.

Còn với những doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ bị sụt giảm thì sao? Thế giới hậu đại dịch như một chiếc lò xo dồn nén lâu, các nhà sản xuất cần hiểu rằng tại thời điểm dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu sẽ bật tăng trở lại, khi đó hệ thống sản xuất phải đủ sức cung ứng cho thị trường và thỏa mãn khách hàng, đó cũng là tinh thần của JIT. Nhiều nhà sản xuất vẫn duy trì công suất bình thường của họ, chuỗi cung ứng vẫn hoạt động bình thường nhưng hơi hướng theo JIC, họ tồn kho nhiều hơn để chờ “lò xo thị trường” bật tăng sau đại dịch.

Th.s Ngô Văn Mạc

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin -Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang