Kinh nghiệm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng suất tại Nam Long

author 05:59 01/04/2020

(VietQ.vn) - Áp dụng mô hình năng suất tổng thể, có những bộ phận của Nam Long tăng năng suất tới 1,7 lần.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Không chỉ quan tâm đến thị trường trong nước, để vươn ra thị trường thế giới, Công ty TNHH Nam Long không chỉ sản xuất ra găng tay công nghiệp, găng tay đa năng và găng tay gia dụng, còn sản xuất một dòng sản phẩm cực kỳ khác biệt mà hiện Việt Nam chưa doanh nghiệp nào sản xuất được, đó là dòng cao su không có protein, dành cho da nhậy cảm dễ bị dị ứng.

Chỉ trong thời gian ngắn sản xuất sản phẩm này, Nam Long đã khẳng định được thương hiệu của mình với các đơn hàng xuất sang châu Âu, nơi mà người dân có yêu cầu cao với các sản phẩm cao su có mùi hôi (do protein để lâu lên men gây mùi) và dễ bị kích ứng với cao su tự nhiên.

Sản phẩm này đã loại bỏ gần như hoàn toàn hàm lượng protein trong cao su, không đủ gây dị ứng nên bán rất tốt. Chất lượng sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại Mỹ và hàng cũng xuất khẩu sang Mỹ từ 3 năm nay. Sản phẩm găng tay cao su không protein hiện đã chiếm gần 10% tổng sản lượng của Công ty và là sản phẩm có sức cạnh tranh tốt với các thương hiệu găng tay cao su của thế giới.

Ông Lê Bạch Long – Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Long chia sẻ, đã làm sản xuất thì doanh nghiệp nào cũng nghĩ việc nâng cao năng suất để tiết giảm chi phí. Ngay từ khi thành lập Công ty đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đã chuyển đổi sang phiên bản ISO 9001:2015. Cách đây 6 năm, Công ty cũng đã ký hợp đồng với Quacert 3 xuống hướng dẫn áp dụng 5S, LEAN và hàng năm đều duy trì tập huấn nhắc lại, nhưng kết quả thu được không rõ rệt. Việc triển khai chỉ tốt khi có chuyên gia đến, được một thời gian lại đâu vào đó, thể hiện sức ỳ rất lớn.

Vấn đề là thay đổi nhận thức của cả lãnh đạo và người lao động, để mọi người quen với việc duy trì sản xuất tinh gọn. Và các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam thực sự như một nhân tố mới, đem đến sự thay đổi, bẩy được hòn đá tảng trì trệ của người lao động ở đây” – ông Long cho biết.

Cải tiến lại dây chuyền, sắp xếp vị trí lao động phù hợp, loại bỏ động tác thừa 

Theo báo cáo chi tiết của Công ty về kết quả của Dự án có thể thấy sự thay đổi rõ nét nhất chính là khu vực bao gói. Mặc dù là công đoạn nhiều lao động nhất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Vì năng suất thấp ở khâu này dẫn đến hiệu suất ở khu vực sản xuất chỉ đạt 60-65%. Công ty đã sử dụng giải pháp làm thêm giờ mà vẫn không đáp ứng được công việc.

Khi các chuyên gia tư vấn khảo sát tại khu vực này, nhận thấy với quy trình làm việc hiện tại, có 6 hoạt động gia tăng giá trị, 5 hoạt động vận chuyển, 8 hoạt động chờ hoặc làm lại, 6 hoạt động kiểm tra.Các hoạt động lãng phí quá nhiều như việc: vận chuyển, đi lại, tháo túi, đóng túi, kiểm tra lại.

Sau khi phân tích các bước lặp lại, lãng phí ảnh hưởng tới năng suất của công nhân, quá trình được thiết kế lại cho phù hợp, tránh lãng phí. Bởi điều kiện của một dòng chảy liên tục là tốc độ của các vị trí cân bằng nhau, vì vậy, quy trình mới đã tính toán, bố trí sắp xếp khối lượng công việc bằng nhau, tốc độ làm việc đồng đều nhau. Kết quả là, giảm từ 25 hoạt động xuống còn 15 hoạt động, vận chuyển từ 5 hoạt động còn 2 hoạt động, chờ, làm lại từ 8 hoạt động còn 2 hoạt động, kiểm tra từ 6 hoạt động còn 5 hoạt động.

Cụ thể, khu vực xếp găng đã được cải tiến theo nhóm làm việc và thực hiện theo dòng 1 sản phẩm liên tục. Mỗi bàn là 1 loại sản phẩm khác nhau, tránh việc nhầm lẫn giữa các dòng sản phẩm, dòng chảy liên tục giảm các công việc làm lại, vận chuyển.

Khu vực máy dán và đóng gói được cải tiến, bàn thao tác có độ cao bằng độ cao của máy dán, thay vì ngồi như trước thì công nhân được bố trí đứng thao tác, 1 máy dán sắp xếp 2 công nhân đóng gói, kỹ thuật đúng, thao tác nhanh hơn, năng suất tăng, quá trình cân bằng, không còn tồn bán thành phẩm.

Theo số liệu thống kê, năng suất lao động riêng ở bộ phận này đã tăng 1,7 lần (tăng 73%).Trước đây, để hoàn thành 80.000 đôi găng tay, công nhân phải mất 12 tiếng làm việc liên tục từ 6h sáng đến 6h tối. Sau cải tiến, tính đến tháng 9/2019, vẫn với số lượng lao động như vậy chỉ mất 10 tiếng để hoàn thành 115.000 đôi găng tay.

Cũng do trước đây, bộ phận bao gói quá chậm, không đáp ứng yêu cầu nên bộ phận sản xuất phải tháo 30% khuôn thì hiện tại đã lắp đủ toàn bộ khuôn, chạy 100% công suất.

Điều đặc biệt là công nhân không phải làm thêm giờ, trong khi lương trả theo sản phẩm, nên năng suất tăng đồng nghĩa thu nhập của công nhân tăng, ước tính tăng được 40% tiền lương ở khu vực bao gói, vì thế tăng mức độ hài lòng của nhân viên.

 

Bộ Công Thương: Đảm bảo cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân trong mọi tình huống(VietQ.vn) - Thông tin từ Bộ Công Thương, trước thời điểm cả nước thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, tất cả các địa phương, doanh nghiệp phân phối đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang