Áp dụng TCVN ISO 37001 tại các cơ quan hành chính, dịch vụ công tại Việt Nam

author 06:20 15/12/2019

(VietQ.vn) - ISO 37001:2016 được thiết kế để giúp các tổ chức triển khai hệ thống quản lý chống hối lộ hoặc tăng cường các biện pháp kiểm soát chống hối lộ của tổ chức.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Hối lộ được xem là một trong những căn bệnh phổ biến nhất của quyền lực. Hối lộ xảy ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, có mặt trong mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý xã hội. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam coi hối lộ là một quốc nạn, cần phải chủ động phòng ngừa và kiên quyết xử lý cứng rắn, triệt để và hiệu quả. Do vậy nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết được Đảng và Nhà nước quán triệt thực hiện, nhất là trong các cơ quan hành chính công. Áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 37001 cũng là một trong những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, hối lộ.

 ISO 37001 được ban hành từ năm 2016 và được nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới đã đưa vào áp dụng. 

Để triển khai hiệu quả và hiệu lực TCVN ISO 37001 trong các cơ quan hành chính công, cần chú trọng đến những vấn đề cơ bản sau:

Một là, xác định phạm vi của hệ thống quản lý chống hối lộ.

Cần nhận diện rõ những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như: thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ hành nghề, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, dịch vụ hành chính công ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục... để ưu tiên xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 37001 Hệ thống quản lý chống hối lộ.

Hai là, hiểu tổ chức và bối cảnh của tổ chức.

Tổ chức phải xác định các yếu tố, vấn đề bên ngoài và nội bộ liên quan đến các mục tiêu và khả năng đạt được các mục tiêu của hệ thống quản lý chống hối lộ. Các vấn đề này sẽ bao gồm, nhưng không giới hạn ở, những yếu tố như: quy mô, cơ cấu tổ chức và quyền hạn được giao; địa điểm và lĩnh vực hoạt động hoặc dự kiến hoạt động; tính chất, quy mô và mức độ phức tạp của các hoạt động và vận hành của tổ chức; các thực thể mà tổ chức kiểm soát và các thực thể thực hiện kiểm soát tổ chức; đối tác kinh doanh của tổ chức; tính chất và mức độ tương tác với những người thực hiện nhiệm vụ công; các nghĩa vụ và trách nhiệm theo luật định và chế định hiện hành, theo hợp đồng và trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Ba là, vai trò quyết định của lãnh đạo cao nhất của tổ chức.

Lãnh đạo cao nhất phải nêu gương, đi đầu, chịu trách nhiệm trong việc phòng, chống hối lộ; đảm bảo rằng hệ thống quản lý chống hối lộ được thiết lập, thực hiện và duy trì và được xem xét để giải quyết thỏa đáng các rủi ro về hối lộ của tổ chức; tích hợp các yêu cầu của hệ thống quản lý chống hối lộ vào các quá trình của tổ chức; triển khai các nguồn lực thỏa đáng và thích hợp cho việc thực hiện có hiệu lực hệ thống quản lý chống hối lộ; trao đổi thông tin nội bộ và bên ngoài về hệ thống quản lý, chính sách, mục tiêu chống hối lộ; huy động sự tham gia của mọi người trong tổ chức và các bên liên quan; xây dựng nền văn hóa chống hối lộ thích hợp trong tổ chức; thúc đẩy cải tiến liên tục; khuyến khích, hỗ trợ mọi người ngăn ngừa và phát hiện hối lộ.

Bốn là, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc chống tham nhũng, trong đó doanh nghiệp giữ một vai trò quan trọng

Phải huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến chống tham nhũng, chứ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Hối lộ liên quan đến cả người đưa hối lộ và nhận hối lộ. Một trong những điểm mới của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 là còn quy định thêm hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước. Cụ thể tại Chương VI gồm các điều từ Điều 78 đến Điều 82, bao gồm các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Do vậy doanh nghiệp là một bên quan trọng tham gia vào việc triển khai và áp dụng hệ thống quản lý chống hối lộ của các cơ quan hành chính, dịch vụ công. Hoạt động này sẽ đem lại hiệu quả hơn nữa nếu các doanh nghiệp cũng chủ động triển khai áp dụng hệ thống quản lý chống hối lộ tại chính doanh nghiệp mình.

Năm là, chú trọng việc nhận thức và đào tạo về hệ thống quản lý chống hối lộ.

Tổ chức phải cung cấp nhận thức và đào tạo đầy đủ và thích hợp về chống hối lộ cho nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải được cung cấp nhận thức và đào tạo về chống hối lộ một cách thường xuyên, thích hợp với các vai trò của họ, những rủi ro về hối lộ mà họ phải đối mặt và thay đổi bất kỳ nào về hoàn cảnh. Các chương trình về nhận thức và đào tạo phải được cập nhật định kỳ khi cần để phản ánh những thông tin mới có liên quan.

Sáu là, tiến hành đánh giá rủi ro về hối lộ

Tổ chức phải thực hiện đánh giá thường xuyên rủi ro về hối lộ nhằm nhận diện các rủi ro về hối lộ; phân tích, đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên các rủi ro về hối lộ được nhận diện; xem xét đánh giá sự thích hợp và hiệu lực của các kiểm soát hiện hành của tổ chức nhằm giảm nhẹ các rủi ro về hối lộ được đánh giá. Tổ chức phải thiết lập các tiêu chí đối với việc định mức rủi ro về hối lộ. Tổ chức phải thường xuyên xem xét việc đánh giá rủi ro về hối lộ để những thay đổi và thông tin mới luôn được đánh giá một cách thích hợp, kịp thời, theo tần suất mà tổ chức xác định.

Bảy là, theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá kết quả thực hiện.

Tổ chức phải xác định những gì cần được theo dõi và đo lường; ai chịu trách nhiệm; phương pháp thực hiện; khi nào thực hiện theo dõi, phân tích, đo lường và đánh giá kết quả thực hiện; cách thức báo cáo. Tổ chức phải đánh giá kết quả thực hiện về chống hối lộ và hiệu lực và hiệu quả của hệ thống quản lý chống hối lộ. Lãnh đạo cao nhất phải xem xét, cải tiến hệ thống quản lý chống hối lộ của tổ chức theo những khoảng thời gian được hoạch định để đảm bảo hệ thống luôn thích hợp, thỏa đáng và có hiệu lực

Tám là, tích hợp với một/nhiều hệ thống quản lý khác

Đến nay có khoảng trên 6.000 cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 (cả bắt buộc và tự nguyện áp dụng) theo tinh thần quán triệt việc thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, các cơ quan, tổ chức này có thể tích hợp TCVN ISO 37001 Hệ thống quản lý chống hối lộ với TCVN ISO 9001 Hệ thống quản lý chất lượng và/hoặc TCVN ISO 31000 Hệ thống quản lý rủi ro để đảm bảo khả năng duy trì hiệu quả và hiệu lực của tất cả hệ thống quản lý trong tổ chức. Đây là xu hướng và nguyên tắc chung các tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý.

Tiêu chuẩn ISO 37001 về phòng chống tham nhũng, hối lộ(VietQ.vn) - Minh bạch đang trở thành thước đo quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng (PCTN), đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Phùng Mạnh Trường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang