Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa

author 14:31 23/06/2014

(VietQ.vn) - Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam được xây dựng và phát triển nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại toàn cầu

Sự kiện: Quy chuẩn Việt Nam

Hiện nay, Bộ KHCN đang phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu xây dựng các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế và tăng cường quản lý các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng QCVN và giành sự ưu tiên đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao.

Với việc thực hiện dự án này nói riêng và Chương trình Quốc gia này nói chung, chắc chắn Hệ thống TCVN và Hệ thống QCVN sẽ được phát triển hơn nữa theo định hướng hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn và thông lệ/thực hành quản lý của quốc tế, khu vực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế để phát triển và hội nhập, Nhà nước không thể quản lý, bao quát được chất lượng của hàng triệu mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú mà cần sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng phải tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình, mặt khác, Nhà nước phải đổi mới tư duy quản lý về tiêu chuẩn hoá cũng như phương pháp tiếp cận về quản lý chất lượng thì mới theo kịp và đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn.

"Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời là bước đột phá quan trọng đối với hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Mục tiêu của Luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo bước chuyển về năng suất, chất lượng của sản phẩm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh" - ông Vũ Văn Diện, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã cho biết.

Luật này đã thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, xã hội hóa các hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ trong nước, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình thông qua nguyên tắc tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và chủ động công bố hợp chuẩn.

Áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước

Áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn được đơn giản hóa thành hai cấp gồm tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở. Đồng thời hình thành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng cũng gồm 2 cấp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Hệ thống này sẽ thay thế và giải quyết được các mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống tiêu chuẩn 3 cấp (quốc gia - ngành - cơ sở) trước đây. Thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng được thống nhất về một đầu mối là Bộ Khoa học và Công nghệ để nâng cao hiệu quả của toàn hệ thống và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các Bộ chuyên ngành có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đơn vị đó quản lý.

Việt Nam đã có 6.000 tiêu chuẩn đang có hiệu lực, trong đó có 1.700 TCVN hài hòa với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như IEC, ISO, Codex... Đó là chưa kể đến hàng trăm tiêu chuẩn mà Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nguyên tắc được Việt Nam áp dụng từ trước đến nay khi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Việt Nam cũng đang tham gia vào một số thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm, công nhận như thủy sản, xe máy…

H.Thanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang