Áp lực tăng trưởng hay câu chuyện cải cách thực chất?

author 14:36 06/07/2017

Chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội giao Chính phủ khó khăn, nhưng quan trọng hơn là những đổi mới cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, khơi nguồn lực.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy mức tăng trưởng GDP quý II/2017 của Việt Nam đạt 6,17%. Con số này có sự cải thiện rất đáng kể so với mức 5,21% của quý I, quý tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, khi đem so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 mà Quốc hội giao cho Chính phủ, chặng đường phía trước còn rất gian nan. 

Trong chỉ thị mới nhất được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 5/7 cũng không còn chốt cứng con số tăng trưởng 6,7%. Theo đó, chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay dao động ở mức 6,4-6,8%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bước điều chỉnh này là cần thiết và sát với tình hình thực tế.

Đúng hướng

Kinh tế Việt Nam khởi đầu với quý I đầy chông gai theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những yếu tố "bất ngờ" như sản lượng khai thác dầu thô giảm 3 triệu tấn, điện thoại Galaxy Note 7 phải thu hồi trên phạm vi toàn cầu khiến nền kinh tế "mất" 1 tỷ USD. Tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,21%.

Quý II dù đã cải thiện tới gần 1 điểm %, trở lại khu vực tăng trưởng trên 6%, mục tiêu hướng tới tăng trưởng 7,1% cho quý II/2017 vẫn không đạt được.

Theo chuyên gia, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2017 trở lại mức trên 6% là tín hiệu đáng mừng so với mức 5,21% của quý I, cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du từ Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng ẩn do khối doanh nghiệp sức cạnh tranh vẫn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lợi thế sẵn có về tài nguyên, lao động giá rẻ, không đẩy được lên chuỗi giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, tăng trưởng vẫn trì trệ một phần do những vấn đề dai dẳng trong khu vực công.

Dịch vụ và nông nghiệp vốn là lĩnh vực không thể tăng trưởng theo mệnh lệnh. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng.

TS Huỳnh Thế Du

Tuy nhiên theo TS. Du, có nhiều điểm tích cực trong lần trở lại mốc tăng trưởng trên 6% này. Ông chỉ rõ điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý 2/2017 là sự tăng trưởng ở các lĩnh vực như dịch vụ và nông nghiệp, vốn là những lĩnh vực không thể tăng trưởng theo mệnh lệnh.

"Không giống như công nghiệp có thể tăng trưởng theo cách hút thêm dầu, lắp thêm máy móc, dịch vụ và nông nghiệp là hai lĩnh vực muốn phát triển phải có căn cơ rõ ràng. Do đó, tôi thấy đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng", ông Huỳnh Thế Du nói.

Theo Tổng cục thống kê, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ chính là hai động lực tăng trưởng chính cho sự tăng trở lại của GDP Việt Nam trong quý II/2017.

Cụ thể, sự khôi phục của khu vực nông - lâm - ngư nghiệp có được nhờ tăng trưởng mạnh hơn của lĩnh vực thủy sản (5,08%). Về dịch vụ, lĩnh vực thương mại tăng 7,1%, du lịch (lưu trú - ăn uống) tăng 8,9% là động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung. 

Trong khi đó, ngành công nghiệp lại không mang về tin vui cho GDP trong quý II khi trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tổng cục Thống kê đánh giá đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến nay.

Dư địa phát triển

Với mức tăng trưởng 6,17% của quý II/2017, con đường phía trước của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2017 mà Quốc hội giao Chính phủ ở mức 6,7% là rất gian nan.

Để đạt được mục tiêu có phần tham vọng trên, hai quý còn lại kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng ở mức 7,67% mỗi quý. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng không phải là bất khả thi, các chuyên gia kinh tế nhận định.

Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 "Phát huy nội lực, phát triển bền vững”, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 27/6, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có nhiều phương án để không cần hút thêm dầu vẫn đạt được tăng trưởng 6,7%.

Theo TS. Lực, nếu làm tốt kích cầu tiêu dùng, chỉ cần tăng tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế có thêm 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với con số ước tính 9.200 tỷ thu được nếu khai thác thêm một triệu tấn dầu.

Bên cạnh đó, TS. Lực cho rằng ngành du lịch vẫn còn dư địa để phát triển nếu được tạo điều kiện. Ông khẳng định nếu ngành du lịch tăng trưởng 30-35% năm nay, ngân sách sẽ có thêm khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), dư địa để tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm lại nằm ở khu vực sản xuất và xuất nhập khẩu.

Trao đổi với báo chí, ông Tuyến cho hay sản xuất, phân phối điện tăng cao vào 6 tháng cuối năm khi EVN đưa 5 tổ máy phát điện vào hoạt động, với tổng công suất tăng thêm 560 MW. Trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có một số dự án sản xuất thép các loại đi vào hoạt động.

Với chính sách nới lỏng về visa và cấp visa điện tử cho du khách nước ngoài, năm nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch nước ngoài dự kiến vào khoảng 30% với 13 - 15 triệu du khách, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, mà các lĩnh vực liên quan khác như nhà hàng, khách sạn, vận tải, thương mại… cũng sẽ tăng trưởng theo.

Bên cạnh đó, Công ty Samsung Việt Nam dự kiến năm nay xuất khẩu 50 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. 

Ngoài ra, một số ngành có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm như sản xuất thuốc chữa bệnh, sản phẩm hóa dược và dược liệu; sản xuất xe có động cơ, thiết bị điện, sản phẩm từ cao su và plastic.

Không chỉ là con số tăng trưởng

Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du cho rằng với khởi đầu của nửa năm 2017, xác suất để kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất thấp.

Mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam hiện ở mức 5,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng này, con số do World Bank (6,3%) hay ANZ (6,4%) dự đoán là khả thi hơn so với mức 6,7% mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng trong dài hạn không chỉ và không phải là con số mục tiêu tăng trưởng, mà những thay đổi thực chất hơn.

"Con số 6,7% có thể khó đạt được nhưng chính quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ mới là điều tôi mong đợi. Quả bóng cải thiện môi trường kinh doanh đang ở chân Chính phủ và Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện được điều này nếu có quyết tâm", TS. Du nói.

Cũng theo TS. Du, Chính phủ đã có những động thái rất tích cực như gặp gỡ khối doanh nghiệp, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ... nhằm đưa ra thông điệp rõ ràng về quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đầu năm 2017, trong báo cáo "Thịnh vượng kinh tế toàn cầu", Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh cần thiết phải cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cũng như kiềm chế nợ công để kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững.

Các chuyên gia kinh tế của ANZ cũng nhận định tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là khả quan trong tương lai gần, dù không ở mức 6,7% như mục tiêu Quốc hội giao Chính phủ.

"Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng quanh mức 6% trong vòng hai năm tới", bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế của ANZ, nhận định. "Yếu tố then chốt trong việc xây dựng một mô hình tăng trưởng bền vững là đa dạng hóa các thị trường và sản phẩm xuất khẩu".

Ngay cả không đạt con số 6,7%, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trong khu vực đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 6%, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.

Con số tăng trưởng có thể không đạt nhưng quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế mới là điều đáng mong đợi.

TS Huỳnh Thế Du

Theo Zing

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang