Áp trần lãi suất cho vay, bỏ trần huy động

author 07:13 07/12/2012

(VietQ.vn) - TS. Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, đó là cách để doanh nghiệp, cá nhân vay được tiền với chi phí có thể chịu đựng được.

 Ông đánh giá thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét áp trần lãi suất cho vay?

Tôi đã từng đề xuất trong một cuộc họp giữa NHNN với các ngân hàng thương mại là cần bỏ trần huy động và thiết lập trần cho vay để tạo các điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân vay tiền với mức lãi suất chấp nhận được. Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có lãi suất cho vay và huy động cao. Vì thế, tôi nghĩ rằng, tuy đến thời điểm này có thể hơi muộn, nhưng thiết lập trần lãi suất cho vay sẽ giúp nền kinh tế có thêm điều kiện để phục hồi.

Nếu giảm tiếp lãi suất như vậy, có phải chính sách tiền tệ đang dần được nới lỏng, thưa ông?

Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ bao giờ cũng phải thận trọng. Vấn đề ở đây không phải là nới lỏng, mà là căn cứ trên nhu cầu của nền kinh tế, bởi sức cầu của nền kinh tế Việt Nam đang suy kiệt. Tại Mỹ, kinh tế Mỹ cũng cực kỳ khó khăn, nhưng không bị suy kiệt, bởi Mỹ đã đưa ra các gói kích cầu QE2 hay QE3. Vì thế, tôi nghĩ, trong thời gian ngắn sắp tới, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có các chương trình kích cầu phù hợp.

TS. Trương Văn Phước

Vậy theo ông, trần lãi suất giảm xuống bao nhiêu mới phù hợp với kiểm soát CPI?

Lãi suất danh nghĩa chứa đựng hai yếu tố cơ bản, gồm lãi suất thực cộng với kỳ vọng lạm phát. Theo tôi, lãi suất danh nghĩa sắp tới ở mức 12 -13%/năm thì chấp nhận được, vì kỳ vọng lạm phát đã phát đã giảm xuống rất nhiều. Nhưng trong điều kiện kinh tế Việt Nam, trần lãi suất cho vay phải được điều chỉnh theo từng quý và có thể đến tháng 6/2013, lãi suất của nền kinh tế Việt Nam xoay quanh mức 10,5 - 11%/năm; còn trần lãi suất huy động có thể xuống 7,5 -8,5%.

Như vậy, lãi suất hiện nay vẫn là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp, thưa ông?

Vấn đề lãi suất chỉ là một phần, quan trọng hơn là sức cầu của nền kinh tế. Không phải tín dụng thấp làm cho cơ thể doanh nghiệp thiếu nước, mà chính là các ngân hàng không thể tìm được “mạch” để bơm vốn cho doanh nghiệp, vì sức khỏe doanh nghiệp đang dần suy kiệt.

Nền kinh tế cần các chương trình kích cầu mạnh mẽ hơn, để doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa, giảm lượng hàng tồn kho, tiếp tục sản xuất thì mới hấp thụ được vốn.

Áp trần cho vay, nhưng bỏ trần huy động sẽ khó tránh được cuộc đua lãi suất ở một số nhà băng nhỏ, ảnh hưởng chung đến hệ thống. Ông nhận định thế nào về việc này?

Theo tôi, không nhất thiết phải duy trì trần lãi suất huy động như hiện nay mà không quá lo xáo trộn hệ thống. Trước mắt, khi bỏ trần huy động, có một số nhà băng nhỏ sẽ chạy đua hút vốn bằng cách nâng lãi suất huy động, nhưng sau đó sẽ phải nhanh chóng hạ xuống, bởi lẽ, trần cho vay giảm buộc ngân hàng phải tiết giảm chi phí đầu vào mới có thể duy trì hoạt động.

Theo ông, cần những giải pháp nào để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay?

Có nhiều giải pháp, cả những giải pháp làm ngay và những giải pháp cần có thời gian. Trước mắt, NHNN có thể phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, cho phép các ngân hàng sử dụng biện pháp trích lập dự phòng chung của các NHTM trong 7 năm qua, cũng như trích lập dự phòng cụ thể để có thể xóa ngay một phần nợ xấu.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kể cả cải cách các thủ tục tố tụng về kinh tế và dân sự, theo hướng giải quyết khẩn trương các tranh chấp kinh tế dân sự cũng như tạo các thiết chế mới để xử lý nhanh các tài sản đảm bảo, lưu động hóa nhanh lượng tài sản đảm bảo này, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu.

Về lâu dài, cần nghiên cứu thiết lập các tổ chức mua bán nợ, với sự tham gia của các tổ chức trong nước cũng như tổ chức nước ngoài. Cuối cùng là, Chính phủ phải thiết kế các giải pháp để kích cầu nền kinh tế, hồi sinh doanh nghiệp. Đó là động lực quan trọng để giải quyết nợ xấu

Theo Đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang