APEC 2017: Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ba vấn đề lớn cần giải quyết

author 16:04 09/11/2017

(VietQ.vn) - Tạị sự kiện chính của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 diễn ra chiều 8/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu ba vấn đề lớn cần giải quyết.

Sự kiện: APEC Việt Nam 2017

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), sự kiện chính trong ngày thứ ba của tuần lễ cấp cao APEC, chính thức khai mạc vào 14 giờ chiều 8/11.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng mở đầu hội nghị. Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các vị khách tới dự hội nghị tại Đà Nẵng.

Chủ tịch nước khẳng định: "Tôi tin tưởng hội nghị sẽ mở ra cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển". Theo Chủ tịch nước, nhờ có sự đóng góp của các doanh nghiệp từ hàng đầu thế giới cho đến siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động đóng góp 50% tổng đầu tư thương mại, 60% GDP toàn cầu, tiên phong cho sự phát triển công nghệ của thế giới.

apec-2017-tai-viet-nam-la-hoi-nghi-thuong-dinh-doanh-nghiep-lon-nhat-trong-lich-su

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: apec2017

Chủ tịch nước chúc mừng và cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế APEC trong gần 3 thập niên qua. Theo Chủ tịch nước, khu vực đang "trong thời kỳ có chuyển biến mang tính bước ngoặt", trong đó hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, Chủ tịch nước khẳng định với nguồn lực tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, khu vực đang có triển vọng tươi sáng. Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC sẽ có thể vươn cao hơn và xa hơn nữa để thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương như dự báo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, để xây dựng APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, cần giải quyết 3 vấn đề.

Thứ nhất, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba, doanh nghiệp trong khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

APEC 2017: Trước khi sang Việt Nam, Tổng thống Putin ủng hộ ý tưởng đặc biệt(VietQ.vn) - Trước khi tới Việt Nam dự hội nghị cấp cao APEC 2017, Tổng thống Putin đã ủng hộ ý tưởng thành lập khu vực thương mại tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cuối cùng, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á -Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, APEC có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Lâm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang