Vì sao Asanzo của CEO Phạm Văn Tam luôn 'nổ' là 'hàng Việt Nam công nghệ Nhật'?

author 06:38 25/06/2019

(VietQ.vn) - Asanzo của CEO Phạm Văn Tam luôn tuyên truyền khẩu hiệu: “Asanzo, đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” nhưng lại dính vào nghi vấn dùng hàng Trung Quốc gắn “mác” Việt Nam.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Asanzo lên như “diều gặp gió” nhờ “may đo” tốt?

CEO Asanzo Phạm Văn Tam từng khẳng định: "Chúng tôi không cạnh tranh mà lấp đầy những khe hẹp của thị trường, nơi các nhà sản xuất lớn không thể thu mình lại để đáp ứng khách hàng". Nếu chỉ nhìn vào kết quả trên và phương châm của CEO Tam thì quả nhiên, Asanzo đang lên “như diều gặp gió”. 

Giai đoạn 2014 khi mới ra mắt lô tivi đầu tiên đã ghi nhận 670 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu của Asanzo tăng gấp 2,3 lần, đạt 1.584 tỷ đồng. Năm 2017, Asanzo ghi nhận tổng doanh số đạt 4.620 tỷ. 

Năm 2018, doanh nghiệp báo doanh thu đạt 6.250 tỷ đồng. Năm 2019, Asanzo đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, tập trung phát triển ngành điện thoại, điện lạnh và điện gia dụng.

Tuy nhiên, đằng sau những kết quả kinh doanh tươi sáng đó, Asanzo cũng vướng nhiều "vận đen". Trước đó, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano đã khởi kiện Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu, yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng.

Theo đơn khởi kiện, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano, hình số 107919 cho các nhóm hàng hóa về máy giặt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện…

Đến năm 2015, công ty phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ nên tiến hành khởi kiện. Bản án sau đó buộc Asanzo phải bồi thường 100 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở sự việc trên, trong thời gian hoạt động (từ 2014-2016), doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm về thuế. Theo đó, ngày 16/1/2017, Chi cục Thuế Bình Tân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với hàng loạt vi phạm như: Vi phạm thủ tục về thuế; Khai sai dẫn tới thiếu số tiền nộp thuế; Chậm nộp thuế; Truy thu thuế… với tổng số tiền lên tới hơn 250 triệu đồng.

Ngày 7/3/2017, Chi cục thuế Bình Tân tiếp tục ra quyết định xử phạt thêm doanh nghiệp này vì vi phạm hành chính về hóa đơn với số tiền 6 triệu đồng do đã vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng. Đầu năm 2017, Chi cục Thuế Bình Tân cho hay, Asanzo Việt Nam đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cũng chỉ mới nộp tiền tạm ứng thuế mỗi công ty 20 triệu đồng, ngoài ra chưa thu được thêm được khoản nào...

Asanzo và mác "Hàng Việt Nam, đỉnh cao công nghệ Nhật"

Asanzo là một startup công nghệ mới ra đời nhưng không ngừng lớn mạnh, đem về cho CEO Tam doanh thu khổng lồ, thậm chí dòng sản phẩm tivi chiếm 15% thị phần trong nước. Tuy nhiên, mới đây, Asanzo dính nghi án sử dụng hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp của CEO Tam lao đao.

Với khẩu hiệu “Asanzo - hàng Việt Nam - đỉnh cao công nghệ Nhật”, người đứng đầu Asanzo từng chia sẻ sẽ đem những sản phẩm như tivi, tủ lạnh… đến với vùng nông thôn nơi người dân còn khó khăn, điều kiện chi tiêu hạn hẹp, thậm chí đây còn là nơi các “ông lớn” không thể thu mình để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, khi nghi án Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc, gắn mác hàng Việt được báo chí đưa tin vị CEO này thừa nhận: “Việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình”.

Asanzo vướng nghi án nhập linh kiện Trung Quốc.

CEO Tam lý giải do thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao nên đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước. Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng này nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là Tivi và điều hòa không khí. Chính vì vậy, kể từ thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện 2 dòng sản phẩm khác nhau nhưng cùng modern và logo Asanzo.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang