Asanzo của CEO Phạm Văn Tam từng dính những 'vết đen' gì?

author 16:47 24/06/2019

(VietQ.vn) - Sau nghi án Asanzo của CEO Phạm Văn Tam "phù phép" hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam, cùng điểm lại những bê bối mà doanh nghiệp này gặp phải trong những năm qua.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Mới đây nhất, Asanzo vướng vào nghi án phù phép hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam. Sự việc khiến dư luận xôn xao, không ít nhà bán lẻ đã gỡ các hàng hoá của Asanzo khỏi danh mục hàng hoá.

Trước đó, ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo sau bài báo điều tra của Tuổi Trẻ về hàng điện tử gia dụng thuộc Tập đoàn Asanzo.

"Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết trong thông cáo phát ra chiều 21/6. Theo bà Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình HVNCLC.

 Asanzo đã vướng vào nghi án phù phép hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam. Ảnh Internet

Đáng nói, dù là thương hiệu non trẻ nhưng Asanzo vướng khá nhiều tai tiếng trong quá khứ. Trước đó, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano đã khởi kiện Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu, yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng.

Theo đơn khởi kiện, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano, hình số 107919 cho các nhóm hàng hóa về máy giặt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện…

Đến năm 2015, công ty phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ nên đã tiến hành khởi kiện. Bản án sau đó buộc Asanzo phải bồi thường 100 triệu đồng. 

Chưa dừng lại ở sự việc trên, trong thời gian hoạt động (từ 2014-2016), doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm về thuế. Theo đó, ngày 16/1/2017, Chi cục Thuế Bình Tân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với hàng loạt vi phạm như: Vi phạm thủ tục về thuế; Khai sai dẫn tới thiếu số tiền nộp thuế; Chậm nộp thuế; Truy thu thuế… với tổng số tiền lên tới hơn 250 triệu đồng.

Ngày 7/3/2017, Chi cục thuế Bình Tân tiếp tục ra quyết định xử phạt thêm doanh nghiệp này vì vi phạm hành chính về hóa đơn với số tiền 6 triệu đồng do đã vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng. Đầu năm 2017, Chi cục Thuế Bình Tân cho hay, Asanzo Việt Nam đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cũng chỉ mới nộp tiền tạm ứng thuế mỗi công ty 20 triệu đồng, ngoài ra chưa thu được thêm được khoản nào...

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang