Asanzo lao đao: Mất 95% doanh thu, thiệt hại gần 1.000 tỷ, lo việc 2 nghìn công nhân

author 17:14 18/07/2019

(VietQ.vn) - “Doanh nghiệp bao nhiêu năm xây dựng đã sụp đổ coi như chẳng còn gì’’, ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo cay đắng chia sẻ với báo giới.

Gần một tháng kể từ ngày rơi vào nghi vấn thay đổi xuất xứ hàng hoá, Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo đã gần như kiệt quệ. Chia sẻ với BizLIVE, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Asanzo Việt Nam nói: ‘‘Chúng tôi tổn thất rất lớn. Doanh nghiệp bao nhiêu năm xây dựng đã sụp đổ coi như chẳng còn gì’’.

Trước đó, ông Phạm Văn Tam từng cho biết, trong sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, dù 100% linh kiện nhập nhưng công ty hoàn thiện khâu cuối cùng ở Việt Nam thì công ty vẫn có thể ghi là “Made in Vietnam”.

 Asanzo gặp khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp. 

Ông Tam cho rằng, liên quan tới quy định nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa cần phải có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

“Hiện rất nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự như Asanzo và hiện giờ công ty đang chờ các cơ quan chức năng xác minh sự việc. Giải quyết việc làm cho 2.000 công nhân là vấn đề nhức đầu, kho bãi nhà xưởng hiện nay treo hết, đối tác họ e ngại đòi tiền, đó là hệ lụy không thể đo được bằng tiền’’, Chủ tịch Asanzo nói thêm.

Theo Vietnamnet, Asanzo đã gửi thư đến cơ quan chức năng đề ngị khẩn trương kiểm tra, phân định rõ đúng - sai dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, vì tình trạng DN là đang ngắc ngoải, chỉ còn tính được bằng ngày. Đại diện Asanzo cho biết, sau khi gửi thỉnh nguyện thư đề nghị các cơ quan chức năng khẩn thiết vào cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, phân định rõ đúng - sai, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Mặc dù mới đang trong giai đoạn kiểm tra, chưa có bất kỳ kết luận nào cho rằng Asanzo giả xuất xứ hay hàng hoá của Asanzo vi phạm pháp luật nhưng không hiểu từ đâu đã lan truyền tin đồn “sản phẩm của Asanzo bị cấm bán”, khiến cho hệ thống phân phối của Asanzo hoàn toàn tê liệt.

Ông Phạm Văn Tam cho biết, Asanzo đã mất khoảng 95% doanh thu. Mỗi tháng như vậy, Asanzo mất vài trăm tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng đóng băng các khoản vay, lương công nhân vẫn phải trả, sản xuất vẫn phải duy trì, nhà phân phối trả lại hàng, thương hiệu bị tổn thương, các dự án đầu tư bị ngưng trệ, kế hoạch phát triển công nghệ chuyên sâu bị đình đốn... Hàng loạt vấn đề xảy ra, Asanzo ước tính con số thiệt hại lên gần 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra, đặt nghi vấn sản phẩm của Asanzo Việt Nam là hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam làm xôn xao dư luận. Các cửa hàng kinh doanh điện máy sau đó đã tiến hành thu đổi sản phẩm Asanzo.

Thu Hà (T/h)

Đại gia xây dựng Coteccons làm ăn kém nhất 4 năm: Vì đâu nên nỗi?(VietQ.vn) - Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Coteccons chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 71% so với con số 520 tỷ cùng kỳ 2018.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang