ATM "nuốt" tiền: Người tiêu dùng “thiệt đơn, thiệt kép”

author 10:37 28/01/2013

(VietQ.vn) - Sau khi rút tiền, tài khoản bị trừ đi số tiền đã rút, phí cũng đã được tính nhưng tiền chẳng thấy đâu. Liên lạc với ngân hàng, mất gần một tháng tiền mới được nhả lại và trong quá trình đó, người tiêu dùng “thiệt đơn, thiệt kép”, mất rất nhiều chi phí.

Chất lượng Việt Nam ngày 22/1 có đăng tải bài viết “MB Bank và Techcombank “liên thủ” hành khách hàng” phản ánh về việc bạn đọc V. H. Anh ở Hóc Môn – TP. Hồ Chí Minh dùng thẻ ATM của Ngân hàng Quân đội (MB bank) rút tiền tại cây ATM của ngân hàng Techcombank để đóng học phí. Khi thực hiện giao dịch rút tiền, tiền thì không thấy ra mà còn bị trừ đi 2 triệu đồng.

Gần một tháng trời, kể từ khi tài khoản bị trừ tiền, người tiêu dùng nói trên đã gặp rất nhiều phiền phức như đi lại nhiều lần, tốn nhiều tiền gọi điện thoại cho ngân hàng đòi tiền và đã phải sử dụng đến cách cuối cùng là nhờ cơ quan báo chí lên tiếng.

Chuyện ATM của Techcombank nuốt tiền của người dùng không còn là hiếm thấy. Ảnh minh họa
Chuyện ATM của Techcombank nuốt tiền của người dùng không còn là hiếm thấy. Ảnh minh họa

Sau nhiều nỗ lực, đến ngày 22/01/2013, bạn đọc V. H. Anh cho biết đã nhận lại được số tiền mà ATM đã nuốt mất. Tuy nhiên, dù đã nhận lại được tiền nhưng theo V. H. Anh, giao dịch không thành công, tiền không rút được, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng không được trừ tiền giao dịch của người dùng thẻ. Thế nhưng, giao dịch đã được tính, phí giao dịch đã được trừ dù tiền không thấy đâu.

Ngoài ra, trong gần một tháng “chạy đôn, chạy đáo” để đòi lại tiền, người tiêu dùng còn phải chi phí rất nhiều thứ như xăng xe, tiền điện thoại hết khoảng hơn 100.000 đồng, mất nhiều thời gian, công sức… những chi phí đó ai sẽ trả cho người tiêu dùng?

“Khi giao dịch không thành công, tiền bị giữ lại tại ngân hàng, ngoài các chi phí phải bỏ ra để đòi lại tiền, ngân hàng còn giữ tiền quá lâu. Trong quá trình ngân hàng giữ tiền, đương nhiên lãi suất phải được tính cho người dùng thẻ. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng là MB bank và Techcombank đều trả lời họ không tính lãi suất cho người dùng thẻ ATM”, bạn đọc V. H. Anh nói.

Cũng theo bạn đọc V. H. Anh, lỗi không thuộc về người dùng thẻ mà là của hai ngân hàng. Ngân hàng nào “giam” tiền của người dùng ATM là ngân hàng đó đang sử dụng món tiền ấy vào mục đích riêng của mình. Như vậy, các ngân hàng phải có trách nhiệm trả lãi suất cho người dùng thẻ ATM.

Những thắc mắc của bạn đọc V. H. Anh như nói ở trên, không phải không có lý. Đặc biệt, đây mới chỉ là một trường hợp rất nhỏ trong nhiều trường hợp người dùng thẻ ATM gặp phải những rắc rối khi thực hiện giao dịch rút tiền. Trong khi đó, tổng số thẻ ATM ở Việt Nam hiện nay có tới gần 30 triệu và chỉ cần 1 nửa trong số đó khi đi rút tiền và gặp rắc rối như bạn đọc nói trên phản ánh, chưa biết số tiền và số lãi suất sẽ ra sao.

Ngân hàng giữ tiền của người dùng thẻ ATM quá lâu không trả lại, lãi suất sẽ được tính thế nào? Ảnh minh họa
Ngân hàng giữ tiền của người dùng thẻ ATM quá lâu không trả lại, lãi suất sẽ được tính thế nào? Ảnh minh họa

Hơn nữa, ngày 28/12/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó có biểu phí mới về các giao dịch thẻ được thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM).

Theo đó, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch và quy định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2013.

Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng cho một giao dịch. Nếu chủ tài khoản muốn in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 đến 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.

Thông tư này cũng nêu rõ, mọi giao dịch nội mạng đều mất phí từ 0 - 15.000 đồng. Ngoài ra, phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm…

Khi những quy định như vậy được áp dụng vào thực tế, các ngân hàng được thu tiền khách hàng một cách công khai. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Ngân hàng Nhà nước có quyền áp đặt các quy định như vậy lên người dùng thẻ nhưng lại không yêu cầu các ngân hàng bồi hoàn, bồi thường cho người dùng thẻ ATM một cách thỏa đáng. Đặc biệt, khi lỗi giao dịch không phải do người dùng thẻ mà là do công nghệ, thiết bị và dịch vụ của ngân hàng thì việc bồi thường cho khách hàng cũng là điều bình thường như ngân hàng thu phí của người giao dịch.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang