Ba chữ “T” xử lý nợ xấu

author 06:06 12/07/2013

Tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp (DN) đã thực sự trở thành sức cản lớn đối với nền kinh tế, cần phải có những giải pháp xử lý nhanh và hiệu quả.

TS Lê Xuân Nghĩa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) - nhận diện 3 khả năng xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC):

Thứ nhất, Chính phủ không can thiệp. Ngân hàng tự xử lý nợ xấu phải mất thời gian từ 7- 10 năm. Tín dụng đóng băng. Bất động sản tiếp tục đóng băng, thậm chí sụp đổ. GDP tăng trưởng dưới 5% hoặc suy thoái.

Thứ hai, Chính phủ xử lý nợ xấu bằng tiền từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thời gian xử lý từ 4- 5 năm. Tín dụng mở rộng chậm, thị trường bất động sản phục hồi chậm, GDP tăng trưởng 6%/năm.

Thứ ba, Chính phủ xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách. Thời gian xử lý nợ từ 2- 3 năm, tín dụng tăng trưởng tốt, thị trường bất động sản sớm phục hồi. GDP tăng trưởng 8%/năm.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với quản lý nợ xấu. Tuy nhiên, cho đến nay, trên thế giới chỉ có Hàn Quốc thành công khi xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách vào năm 1997. Các nước khác đều sử dụng tiền từ ngân hàng Trung ương và ngân sách, trong đó tiền từ ngân hàng trung ương đóng vai trò quyết định.

 

Việt Nam đã lựa chọn phương án hỗn hợp. Nợ xấu xây dựng cơ bản (nhà nước nợ DN, DN nợ ngân hàng) và nợ xấu của DNNN sẽ do Bộ Tài chính xử lý. Phần còn lại sẽ được xử lý bằng VAMC, bằng dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) hoặc có thể bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN trong những trường hợp cần thiết, ví dụ, một số NHTM nhỏ, yếu thanh khoản.

Như vậy, về bản chất, cách thức xử lý nợ xấu của Việt Nam không khác nhiều so với nhiều nước trên thế giới, có thể có những khác biệt nhất định về kỹ thuật. Ví dụ, Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định VAMC có thể mua nợ xấu từ các NHTM theo giá thị trường và giá ghi sổ. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý các giao dịch mua nợ xấu theo giá ghi sổ và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt bằng việc bắt buộc thiết lập dự phòng rủi ro 20% hàng năm.

Ở góc đội vi mô, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc NHTM Cổ phần An Bình- cho biết: “Chúng tôi áp dụng những giải pháp tổng thể, căn cứ trên cơ sở phân tích đặc thù của từng khách hàng để thực hiện 3 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu: Triển khai mua bán nợ; tái cơ cấu, gia hạn nợ cho những khách hàng có khả năng trả nợ nhưng đang gặp khó khăn tạm thời, để nợ xấu quay lại các nhóm nợ bình thường; khởi kiện và xử lý thu hồi nợ theo các quy định pháp luật hiện hành. Vấn đề là ngân hàng phải đánh giá đúng tiềm năng, khó khăn của từng khách hàng”.

Mới đây, BDI phối hợp với Trường Đào tạo ngân hàng Thụy Sỹ Á châu (SABS) tổ chức 2 khóa đào tạo “Quản lý nợ xấu” - nhằm giúp các ngân hàng kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu.

Theo kinh nghiệm của giáo sư Koh Him Leong, bất động sản có 3 chữ “Đ” quan trọng: Địa điểm, địa điểm và địa điểm. Còn với nợ xấu, 3 chữ “T” cũng đặc biệt quan trọng: Thời gian, thời gian và thời gian. Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản xấu phải làm thật nhanh. Nếu trì hoãn, giá trị của tài sản sẽ bị giảm sút và khi đó, sẽ không thể bán được tài sản này nữa.

                                              TS Lê Xuân Nghĩa:

VAMC là hình thức hoàn toàn mới đối với Việt Nam, việc thực hiện sẽ có những cản trở do thiếu một loạt các quy định mang tính pháp lý liên quan đến việc mua bán nợ. Vì vậy, VAMC phải có quyền lực đặc biệt, phải có cơ chế hoạt động thoáng, nhanh.

 

Theo Báo Công thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang