Bác đi rồi, thương hiệu ‘bánh trôi tàu bác Bằng’ sẽ về đâu ?

authorHiệp Lê 06:51 04/11/2016

(VietQ.vn) - Chắc hẳn, trong lòng nhiều người dân Hà thành bất kể già hay trẻ đều sẽ nhớ lắm ‘bánh trôi tàu bác Bằng’ và bác đi xa rồi, thương hiệu ấy sẽ về đâu ?

Sự kiện: Ngôi sao

NSƯT Phạm Bằng đã trút hơi thở cuối cùng vào đêm cuối cùng của tháng 10. Khi những cơn gió lạnh tràn về miền Bắc. Hôm nay, ngày 4/11 các con ông đã trở về bên linh cữu cha đông đủ, lễ tang người nghệ sĩ được khán giả yêu mến trên màn ảnh nhỏ sẽ diễn ra. Chắc hẳn, hôm nay và cả những ngày sau, sẽ rất nhiều người nhớ đến NSƯT Phạm Bằng - nhớ những vai diễn của ông trên truyền hình. Ngoài ra, sẽ còn thật nhiều người nhớ đến nghệ sĩ Phạm Bằng  với vai trò là ông chủ quán bánh trôi Tàu ở con ngõ nhỏ số 30 Hàng Giầy. Tuy rằng, khoảng ba năm nay, quán bánh trôi đã không còn hoạt động vì sức khỏe bác không được như xưa. Thế nhưng, vị “bánh trôi tàu bác Bằng” chắc chắn ai đã ăn rồi không thể nào quên. Và chắc hẳn, nhiều người sẽ tự hỏi, thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng sẽ đi đâu” khi bác không còn nữa. Liệu rằng, theo thời gian nó sẽ trôi vào quên lãng ?

“Bánh trôi tàu bác Bằng” thương hiệu được sinh ra từ câu chuyện tình yêu thật đẹp

Ngoài hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Phạm Bằng còn là một ông chủ bán bánh trôi Tàu. Khách lúc nào cũng đến với quán ông nườm nượp. Thậm chí, nhiều khi quán còn hết chỗ ngồi, khách hàng phải đứng đợi. Đó là những lúc người nghệ sĩ già không phải đi đến trường quay, không phải ghé phim trường để hoàn thiện những cảnh quay cho một bộ phim truyền hình nào đó. Mà người nghệ sĩ ở nhà, vừa làm ông chủ, vừa làm nhân viên. Có những lúc, người ta thấy ông hớt hơ hớt hải vừa múc bánh, vừa bưng cho khách, vừa thu tiền.  Những khi rảnh rỗi ông vẫn nói với khách hàng dăm ba câu chuyện ngoài đời thường, sau cánh gà khiến con ngõ nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười, tiếng nói.

Có lẽ, vì lý do như vậy mà quán bánh trôi tàu của nghệ sĩ luôn đông vui. Phải chăng, ban đầu các thực khách của ông đến đây vì để muốn gặp thần tượng của mình. Gặp một “lão lý trưởng” đong đưa trên phim hài hay một “lão Bằng hói” trên phim truyền hình để được thấy thần tượng của mình bằng da, bằng thịt. Nhưng khi ăn bánh trôi tàu của thần tượng rồi, thì những lần sau, người ta đến vì vị của bánh trôi, đến vì món ăn ấy tuyệt vời như chính những vai diễn của ông trên ti vi vậy. Trọn vị, đậm đà, thế nên bánh trôi tàu của bác Bằng luôn được bình chọn là một trong những món quà ngon nhất nhì Hà thành.

 Sau cánh gà, NSUT Phạm Bằng là một ông chủ quán với thương hiệu "bánh trôi tàu bác Bằng" được sinh ra từ một câu chuyện tình yêu thật đẹp

Khi nghe tin bác rời xa trần thế, không chỉ người già tiếc thương nhớ đến món bánh trôi tàu của bác. Mà nhiều người trẻ cũng bùi ngùi, họ chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện về những lần đến quán. Họ thèm muốn được một lần ngồi bên ngõ nhỏ vào chiều mùa đông để ăn miếng bánh trôi tàu bác Bằng.

Với họ, một ngày đông mà cầm bát bánh trôi tàu “Bằng hói” lên, bàn tay ấm lạ. Hai chiếc bánh trôi trong bát được rưới lên màu nước sánh mịn. Cầm chiếc thìa nhỏ múc một miếng bánh, cho lên miệng, cái lạnh mùa đông như đã biến mất đâu đó nhường lại cho vị thơm ấm ấp ùa về trên môi. Rồi, vị giác như được tưới trong sự ngọt lành của bột gao, của đường và của những gia vị đặc trưng. Ăn một miếng bánh trong khi đói bụng khiến người ta phải ăn ngay lập tức thêm một miếng khác to hơn mới đã. Như một thứ bùa ngải, miếng bánh nóng hổi đã mê hoặc lòng người.

Bánh trôi tàu bác Bằng ngon là thế, nhưng ít ai biết rằng, với nghệ sỹ Phạm Bằng, kinh doanh bánh trôi tàu không nhằm mục đích kiếm về những đồng tiền to lớn mà người nghệ sỹ vẫn đau đáu một điều, phải làm sao để mọi người đã ăn bánh ở cửa hàng của Phạm Bằng sẽ không đi đâu được, nếu có đi đâu cũng phải quay về với bánh trôi tàu Phạm Bằng. Bởi vì, quán bánh trôi ấy không đơn thuần là phong vị ẩm thực, mà còn là tấm chân tình của ông với người vợ ông hết mực yêu thương. Nhờ quán nhỏ ấy gia đình ông đã vượt qua những năm đói khổ, riêng ông được hết mình với từng vai diễn. Đối với ông, món ăn đó thấm đượm ký ức, ân tình của vợ.

Khi đương thời, cố nghệ sỹ Phạm Bằng từng kể, trước kia có một bà cụ làm bánh và nấu ăn cho quán rất ngon, nhưng khi có tuổi rồi, cụ không làm tiếp được nữa mà truyền nghề cho một cô bé giúp việc. Cô bé khi ấy mới 14, 15 tuổi, đến bây giờ cô bé bán bánh cho ông cũng đã vài chục năm. Và, cô bé ấy chính là vợ ông, đó là người phụ nữ khiến ông không khi nào nguôi nhung nhớ. Người phụ nữ đã gây dựng và duy trì sự tồn tại quán. Và khi người phụ ấy ra đi, ông vẫn một mình bên quán bánh trôi ấy, vì ông yêu người phụ nữ ấy rất nhiều.

Tình yêu của cố nghệ sĩ với người vợ của mình khiến cho nhiều người hàng xóm ghen tỵ. Khi kể về cố nghệ sĩ, ai cũng phải nhắc đến tình cảm mà ông dành vợ mình: hết mực ân cần, hết mực yêu thương. Phải chăng, vì tình yêu ấy, mà vợ chồng ông đã dồn hết vào những chiếc bánh làm nên hương vị đặc trưng riêng để “mê hoặc” lòng người. Thế nên, thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng” đã trở thành một món ăn mà nhiều người luyến nhớ suốt bao nhiêu năm.

Vậy khi bác đi rồi, thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng” sẽ về đâu ?

Thương nhớ bác, thương nhớ về món bánh gắn bó với tình đẹp của vợ chồng bác. Nhiều người đã chia sẻ những niềm xót thương về người nghệ sĩ chân chính dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. Không chỉ nghệ thuật biểu diễn mà còn nghệ thuật ẩm thực. Ông đi rồi, liệu ông sẽ mang theo vị bánh trôi ấy về với thế  giới bên kia, với người vợ mà ông hết mực yêu thương ? Và người ta, dần rà rồi sẽ quên nó, sẽ quên mất một quán bánh trôi ngõ 30 Hàng Giầy ngon nhất nhì Hà thành?

Không, tôi sẽ không quên ông ấy với dáng người khum khum, cái trán hói mồ hôi nhễ nhại và đặc biệt hơn, tôi sẽ không quên bánh trôi vợ chồng ông ấy làm. Đó là những chiếc bánh trôi có vị thật đặc biệt, ngon nhất ở cái đất Hà Nội này. Kể cả khi ông không bán nữa. Tôi ăn bánh trôi ở hàng khác. Thế nhưng, vẫn hay nói với ông rằng: ông bỏ bùa vào bánh trôi sao mà giờ tôi ăn ở đâu cũng không thấy ngon. Khi ấy, ông chỉ cười khà khà. Đấy, dù ông có đi đâu tôi cũng sẽ vẫn không quên vị bánh trôi của nhà ông Bằng hói” – Bà Đoàn Thị Tuyết (hàng xóm của nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng ) chia sẻ.

Cô sẽ không quên được món bánh trôi bác Bằng. Đó là hương vị riêng, rất đặc trưng mà không ở đâu có được cháu ạ. Nếu nói quên thì 3 năm nay bác Bằng không bán cô đã quên luôn rồi. Nhưng không, thi thoảng vẫn qua ngõ 30 Hàng Giầy để ngó xem, biết đâu, bác ấy cao hứng lại làm bánh bán một, hai ngày để mình còn có cơ hội thưởng thức. Nhưng đúng là bác nghỉ hẳn và không bán thật. Cô vẫn nhớ như in lần cuối cùng ăn bánh trôi tàu của bác. Có lần, gặp bác ngoài đường, cô hỏi: “Nghệ sĩ không bán bánh trôi nữa, vậy chúng tôi biết ăn ở đâu đây?” bác chỉ cười và vẫy tay chào lại. Với cô, thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng” cô giữ mãi  để lần nào đi ăn bánh trôi cũng nhớ về nó. Không chỉ bây giờ mà chắc chắn, nó sẽ còn được nhắc đến, nhớ đến nhiều năm sau”. Cô Ngô Thị Thu (Ba Đình – Hà Nội) nói.

“Em là một người trẻ, nhưng em đã kịp được ăn món bánh trôi tàu của bác Bằng ở 30 Hàng Giầy. Và em chắc chắn một điều, đây là món quà vặt ngon nhất em từng ăn. Em nhớ mãi, đó là chiều đầu đông, trời lạnh. Đi học về được một người bạn rủ lên quán bác Bằng, lần đầu tiên em thử món bánh trôi tàu mặc dù rất sợ các loại bánh làm bằng bột nếp. Nhưng, khác với những loại bánh khác, bánh trôi của bác Bằng đã khiến em nghiện. Hôm đó, em ăn hai bát liền, những ngày sau vẫn thường xuyên ghé quán và giới thiệu bạn bè, người thân nữa. Khi bác không bán bánh em rất buồn. Em vẫn ăn bánh trôi tàu, nhưng không thấy ngon như lần đầu tiên ấy được. Và kỉ niệm lần đầu tiên thì có bao giờ phai đâu anh. Vậy nên, mỗi mùa đông ùa về, em sẽ nhớ, rất nhớ bánh trôi tàu bác Bằng.” – Huy Hoàng (Sinh viên năm cuối Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) chia sẻ.

 Con ngõ nhỏ số 30 Hàng Giầy - địa chỉ quán bánh trôi tàu bác Bằng chắc chắn sẽ là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của người dân Hà thành về món với hương vị đặc biệt khó quên

Như vậy, dù nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng có rời xa chúng ta đi về với thế giới khác, nơi ấy có vợ ông đón đợi. Nhưng những vai diễn của ông vẫn còn được nhiều thế hệ xem lại và nhớ đến. Cũng như những vai diễn, thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng” cũng sẽ đọng nguyên trong lòng của mỗi người Hà thành – những ai đã được thưởng thức. Và hình ảnh ấy, sẽ mãi luôn đẹp trong hình ảnh một Hà Nội có Phạm Bằng, có bánh trôi tàu ở số 30 Hàng Giầy. 

Hiệp Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang