'Bác sĩ liêm khiết mà lương thấp quá nên cuộc sống rất khổ'

author 16:35 10/04/2015

“Xem xong mà rơi nước mắt. Người ta liêm khiết, minh bạch, không nhận phong bì nhưng tiền lương thấp quá nên cuộc sống rất khổ. Chúng ta cần đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho họ”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho bác sĩ.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra sáng nay (10/4), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Lê Tuấn cho biết, ngành giáo dục và y tế nặng nề nhất về bao cấp. Trong đó, ngành y tế nếu không đổi mới tài chính, không có tự chủ, xã hội hóa thì khó có thể phát triển được trang bị thiết bị kỹ thuật cao.

“Người được thụ hưởng chính là người dân. Nếu không cho các bệnh viện tự chủ để nâng cao trình độ khám chữa bệnh thì chúng ta sẽ mất rất nhiều ngoại tệ vì người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh. Xã hội chúng ta cứ nói đến bệnh viện có lãi là ngại lắm. Cứ nặng về lãi. Cứ nói đến lãi là nghĩ đến lãi trên thân xác người bệnh. Cuối cùng cứ phải dùng từ khác như “chênh lệch”. Các bác sĩ người Nhật nói với chúng tôi rằng lương của bác sĩ phải cao hơn 3 lần so với nhân viên bình thường thì mới có chất lượng. Ở Mỹ, 2 ngành luật sư và bác sĩ là lương cao nhất. Lương khác đi thì hoạt động chắc chắn sẽ khác đi, rất là tốt”- ông Tuấn nói.

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay rất lớn, tăng không kịp yêu cầu của xã hội. Thống kê cho thấy, số lượng hưởng lương từ ngân sách khoảng gần 8 triệu trường hợp, trong đó khối sự nghiệp công có khoảng 2 triệu nhưng tiền lương chiếm 38%.

“Tiền lương to như thế đấy nên tăng lương rất khó. Bản thân khối này nếu không đổi mới cứ trông chờ vào tiền lương thì rất thấp” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết mới đây có xem một chương trình truyền hình nói về cuộc sống của một bác sĩ. Bác sĩ này có cuộc sống rất khó khăn, vừa đi học, vừa phải đi làm. Dù đã dồn hết tâm huyết với công việc khám chữa bệnh nhưng đồng lương được chi trả vẫn quá thấp.  

“Xem xong mà rơi nước mắt. Người ta liêm khiết, minh bạch, không nhận phong bì nhưng tiền lương thấp quá nên cuộc sống rất khổ. Chúng ta cần đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho họ”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị.

Theo Nghị định 16 của Chính phủ về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công thì đến năm 2016 phải đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Nghị định cũng yêu cầu, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh căn cứ quy định về giá dịch vụ sự nghiệp công, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người hưởng thụ, quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

“Lộ trình đặt ra là như vậy nhưng ngay từ bây giờ anh nào làm được ngay thì làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không nhất thiết cứ phải đợi đến 2017- 2018. Vừa rồi ngành giáo dục làm rồi đấy, nhiều nơi cũng đang làm. Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết tâm về vấn đề trên” - Phó Thủ tướng cho biết.

Riêng về giáo dục, y tế, Phó Thủ tướng thừa nhận đây là một việc rất lớn, rất khó nhưng phải làm để nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn, để người dân được hưởng lợi và tạo động lực phát triển.

“Các Bộ cần chủ động tuyên truyền, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất nhận thức trong Đảng, trong xã hội. Vì cái này động chạm đến quyền lợi. Đổi mới nhưng đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là đối với người nghèo, gia đình chính sách, thậm chí là cận nghèo”- Phó Thủ tướng nói.

"Có những cái Nhà nước vẫn giữ 100%"

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nếu không tự chủ được thì chuyển sang cổ phần hóa chứ không nên nửa tự chủ, nửa bao cấp thì rất không phù hợp. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nghe ngóng xem độ mở của nhà nước thế nào. Nếu độ mở lớn thì họ sẽ tham gia đông”- ông Trường nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nói: “Ngay câu “kinh tế thị trường định hướng XHCN" đã cho thấy có những cái thị trường, có những cái phải XHCN. Ví dụ như Nhà hát lớn, thu được bao nhiêu thì trước hết người ta phải lo lương cho công nhân trước đã; đủ lương rồi thì mới nghĩ đến lo đến cái đèn hỏng… Hay như bảo tàng của chúng ta cũng thế, nhà hát tuồng cũng thế. Những ngành dịch vụ công có nhu cầu xã hội cao, có loại hình mình buộc phải giữ nhưng xã hội hóa không cao. Những cái đó buộc phải giữ, nếu tự chủ khó lắm. Ví như tuồng, chèo, bán vé để đủ tự thu chi khó lắm rồi”- ông Biên nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết dự thảo nghị quyết về cổ phần hóa đang xây dựng mở ra nhiều hình thức nhưng không có nghĩa tất cả phải chuyển sang hình thức đó. “Vẫn có quy định để các Bộ phân loại. Nếu nhà nước bảo đảm kinh phí nhưng vẫn phải đổi mới, thì có thể là nhà nước đặt hàng, mua sản phẩm. Tuy nhiên, có thể anh tự chủ một phần. Không phải cổ phần hóa là cổ phần hóa hết đâu. Có những cái nhà nước vẫn giữ 100%. 

Theo Dân trí


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang