Bác sĩ Trung Quốc núp danh bác sĩ Việt Nam

author 17:26 15/04/2013

Những tờ rơi quảng cáo của Phòng khám đa khoa Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều khẳng định do bác sĩ Việt Nam ở các bệnh viện lớn như Quân y 108, 103, Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa bệnh. Nhưng PV phát hiện, có nhiều vị trí- từ lễ tân, nhân viên phòng xét nghiệm, phòng X-quang đến bác sĩ- đều nói tiếng Trung Quốc!

Quảng cáo mập mờ

Theo tờ rơi quảng cáo, Phòng khám đa khoa Thanh Trì (đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là phòng khám do bác sĩ người Việt Nam đứng tên, được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động. Bác sĩ của phòng khám đều có trình độ chuyên môn giỏi, bằng cấp sau đại học, nhiều bác sĩ đã tu nghiệp ở nước ngoài, đã được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Tất cả các bác sĩ có thâm niên công tác tại các BV nổi tiếng như BV TƯ Quân đội 108, 103, BV Bạch Mai,... Nhưng theo điều tra của PV Lao Động, hoạt động khám-chữa bệnh tại đây được thực hiện chủ yếu bởi các bác sĩ, y tá, nhân viên nói tiếng Trung Quốc. 
 

Nhân viên mặc áo blouse trắng nói tiếng Trung Quốc trong phòng siêu âm.
Nhân viên mặc áo blouse trắng nói tiếng Trung Quốc trong phòng siêu âm.

Sau khi mua thẻ khám bệnh tại quầy lễ tân tầng 1, chúng tôi được hướng dẫn lên khám sản khoa tại tầng 2. Ngay tại quầy lễ tân tầng 2, chúng tôi đã thấy một nữ nhân viên còn rất trẻ nói tiếng Trung Quốc đang ngồi cùng 2 nữ nhân viên người Việt Nam. Phòng khám sản khoa có một phụ nữ to béo nói tiếng Trung mặc áo blouse trắng và một phụ nữ người Việt Nam đảm nhận vai trò phiên dịch. Những câu hỏi khám tổng quát được bác sĩ to béo đặt ra, sau đó theo “chỉ đạo” của người này, chúng tôi được chuyển sang phòng siêu âm. Trước khi sang phòng siêu âm, chúng tôi phải nộp mức phí 100.000 đồng. 

Tại phòng này, cũng có một nhân viên Việt Nam và một nhân viên Trung Quốc. 

Cả hai đều khá trẻ, theo tìm hiểu, nhân viên nữ người Trung Quốc tên là Tạ Đông Lệ và là người phụ trách chuyên môn  tại phòng này. Bởi Lệ là người xem màn hình siêu âm để đưa ra nhận định về tình trạng người đến khám. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn trở lại phòng khám sản khoa để nghe kết luận của bác sĩ người Trung Quốc. 

Hoạt động khám bệnh đều do người Trung Quốc đảm nhận, các nhân viên người VN đóng vai trò hỗ trợ, phiên dịch, nhưng trong phiếu siêu âm lại đóng dấu mộc tên bác sĩ là Phạm Thành An. Đây là tên được đóng bằng dấu khắc sẵn và không có chữ ký của bác sĩ trên phiếu kết quả này. 

Phòng xét nghiệm tầng 1 cũng do một người Trung Quốc đảm nhận. Tuy nhiên, người này không thường xuyên khoác áo blouse. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phòng khám đa khoa Thanh Trì cũng có bác sĩ VN nhưng không nhiều, chủ yếu do người Trung Quốc thực hiện. 

Nếu biết bác sĩ người Trung Quốc, đã không khám

Đó là khẳng định của chị Trần Thị Xoan (54 tuổi, trú tại tập thể Z179, huyện Thanh Trì), chị Xoan cho hay: “Cuối tháng 2, tôi đến phòng khám bởi trong người tôi đang có bệnh, thường xuyên phải đi siêu âm kiểm tra định kỳ. Khi vào phòng siêu âm, thấy người phụ trách siêu âm trao đổi với nhau bằng tiếng Trung Quốc, tôi mới biết quảng cáo bác sĩ uy tín của VN là không đúng”. Theo kết quả siêu âm ổ bụng, chị Xoan được kết luận là bình thường. 

Trong khi đó chị bị polip túi mật và u xơ nhiều năm nay, thường phải đi khám chữa ở Viện Y học cổ truyền Quân đội. Chưa hết, trong hóa đơn của chị Xoan có khoản ghi “phí kiểm tra” giá 150.000đ. Không hiểu khoản phí này, hôm sau chị Xoan đến hỏi và được giải thích là tiền thuốc. Do sử dụng thường xuyên nên chị Xoan biết giá thuốc chỉ khoảng 50.000 đồng. 

Khi chị yêu cầu được gặp GĐ phòng khám, nhân viên ở đây trả lời là GĐ đi vắng. Một bác sĩ người VN giải thích đây là lỗi đánh máy và hoàn trả chị 100.000 đồng. Trường hợp của chị P.T.N (trú tại tập thể Z179) cũng được bác sĩ Trung Quốc ở đây siêu âm kết luận không có gì, có thể sinh đẻ bình thường. Nhưng thực tế, chị đã cắt hai buồng trứng từ nhiều năm trước. 

Việc bác sĩ người Trung Quốc khám, nhưng đóng dấu tên bác sĩ VN không chỉ diễn ra ở phòng siêu âm. Ngày 18.3, chị Trần Thanh Thủy (huyện Thanh Trì) đến làm xét nghiệm viêm gan B tại đây. Khi nhận kết quả, chị Thủy thắc mắc không có phần xét nghiệm viêm gan B. Nhân viên  xin lỗi và thu thêm 150.000 đồng để làm xét nghiệm. Người lấy mẫu máu xét nghiệm tại khu vực này là một thanh niên Trung Quốc.

 
Khi nhận kết quả, trên phiếu xét nghiệm của chị Thủy lại đóng dấu có tên “BS Lê Minh Sơn” và không có chữ ký. Bệnh nhân đến khám nghi ngờ rằng việc đóng dấu mang tên bác sĩ VN mà không có chữ ký nhằm giấu đi việc các bác sĩ người Trung Quốc tại đây khám-chữa bệnh. Bởi ở phòng khám này cũng có bác sĩ VN, sau khi khám, kết luận cho bệnh nhân, vị này đều ký và ghi rõ tên trong phiếu khám bệnh.
 
Theo Lao Động

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang