Bác sỹ khám sức khỏe "nhanh như chảo chớp"

author 06:06 10/06/2013

(VietQ.vn) - Bác sỹ chỉ đưa mắt nhìn qua loa, hỏi người khám có bệnh tật gì không rồi kết luận sức khỏe bình thường. Đó là quy trình đang được thực hiện ở các Bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Xô (Bộ Y tế); 19/8 (Bộ Công an); Đống Đa (Sở Y tế Hà Nội)…Toàn bộ chỉ diễn ra trong vòng khoảng 10 phút.

Theo qui định của Nhà nước trong việc nộp hồ sơ đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động, đi thi bằng lái xe ô tô – xe máy… đều phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Nhưng hiện nay, việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân tại nhiều  bệnh viện đang bị thả nổi. 

Để làm rõ thực hư những kiểu khám, cấp giấy chứng nhận sứ khỏe bị thả nổi này,  nhóm PV Chất lượng Việt Nam đã đi khảo sát thực tế tại các bệnh viện trên và nhận thấy toàn bộ quy trình khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe đều không đúng quy trình.

Quy trình khám ở sức khỏe ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đều được làm tắt

Không cần khám cũng biết khỏe

Tại bệnh viện 19/8 (Bộ Công An), trong vai người đang cần giấy chứng nhận đủ sức khỏe để nộp hồ sơ đi làm, PV đã tiếp cận toàn bộ quy trình làm tắt ở Bệnh viện này.

Theo hướng dẫn của bác sĩ, việc đầu tiên khi người dân đến khám ở đây phải xếp hàng lấy phiếu thứ tự. Lệ phí mua giấy chứng nhận sức khỏe giá 200.000 đồng/1 phiếu khám; nộp lệ phí khám 60.000  đồng/1 giấy chứng nhận sức khỏe.

Sau khi xếp hàng lấy phiếu thứ tự, đóng lệ phí khám nhóm PV được các bác sĩ cấp cho mỗi người 1 bản hướng dẫn tới các phòng khám theo các hạng mục cần phải khám theo đúng nội dung yêu cầu của tờ giấy chứng nhận sức khỏe.

Cách khám bệnh của các bác sĩ tại đây khiến PV Chất lượng Việt Nam không khỏi “ngạc nhiên”. Sau khi hỏi người đến khám về chiều cao, cân nặng , mắt có bi cận hay không? Các mục cần phải khám tiếp theo trong giấy chứng nhận như kiểm tra bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp, huyết áp… sẽ được các bác sĩ tại các phòng khám chuyên môn đánh giá luôn là “bình thường” mà không cần phải khám.

Tại Bệnh viện đa khoa quận Đống Đa, Hà Nội bác sỹ cho biết
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội cho rằng, do bệnh viện đang sữa chữa nên thực hiện sai ở 1 số quy trình khám sức khỏe

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, theo ghi nhận của PV, 2 bệnh viện này có cách khám, cấp giấy chứng nhận khá giống nhau về qui trình.

Cụ thể,  sau khi nộp lệ phí khám, người cần khám để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe chỉ cần qua bàn khám của một bác sĩ đa khoa để khám.

Sau khi thăm khám qua loa, hỏi về chiều cao, cân nặng, mắt có bị cận hay có bị mắc bệnh gì không? Các bác sĩ ở đây sẽ đánh giá luôn “bình thường” cho các “hạng mục” cần khám mà không cần phải dùng đến máy móc chuyên dụng hỗ trợ.

Cách thu tiền lệ phí khám và cấp giấy chứng nhận, tại 2 bệnh viện này khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc. Theo đó, tại bệnh viện Việt Xô, Bác sĩ nơi đây thu của người đến khám là 150.000 VNĐ / 1 người/ 1 lần khám mà không hề có biên lai hay phiếu thu.

Trong khi đó, tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai mức phí thu theo qui định là 50.000 VNĐ /1 người /1 lần khám nhưng số tiền mà người dân đến khám để cấp giấy sức khỏe lại được Bác sĩ ở đây thu với mức cao hơn qui định rất nhiều với mức thu 100.000 /1 người /1 lần khám.

Những người dân đến khám tại đây không khỏi thắc mắc số tiền bác sĩ thu chênh lệch so với qui định của bệnh viện sẽ “chảy” về đâu?

Với quy trình khám chữa bệnh nhanh, thủ tục khám đơn giản, nhóm PV Chất lượng Việt Nam đã có được xác nhận, đóng dấu“ Hiện tại đủ sức khỏe để lái xe” hay “ hiện tại đủ sức khỏe để đi làm” chỉ sau chưa đầy 10 phút ở các Bệnh viện này.

Tương tự, tại Bệnh viện Đống Đa (Sở Y tế Hà Nội), theo hướng dẫn của bác sĩ , việc đầu tiên khi người dân đến khám ở đây là phải mua giấy chứng nhận sức khỏe với giá 2.000 đồng; nộp lệ phí 120.000 đồng/1 giấy chứng nhận sức khỏe.

Khi PV hỏi: Mỗi lần khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe, nếu muốn có được cấp thêm hay không? Thì nhận được câu trả lời từ phía bác sĩ: “Muốn bao nhiêu tờ cũng được. Tùy theo loại giấy chứng nhận sức khỏe mà nhân với số tiền lệ phí khám”.

Toàn bộ quy trình nêu trên thực hiện trong vòng khoảng 10 phút.

“Chẳng có bệnh viện nào làm đúng quy trình”

Ông Nguyễn Văn Hiển, trưởng phòng chính trị bệnh viện 19/8, Bộ Công an cho biết, việc khám và cấp giấy ở bệnh viện là hoàn toàn đúng qui trình. Còn việc phản ánh của một số người dân về bệnh viện khám qua loa trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe là… đúng!

Lý giải về việc này, ông Hiển cho hay, đây là bệnh viện đầu ngành của ngành Công an nên việc ưu tiên ban đầu sẽ dành cho việc khám, chữa bệnh đối với người trong ngành, giải quyết chính sách BHYT cho cán bộ ngành công an. Một phần nữa do yêu cầu của người đến khám để cấp giấy chứng nhận phục vụ cho mục đích xin viêc, đi làm, đi học , không muốn phiền hà, mất thời gian. Trong khi các bác sĩ do đông bệnh nhân muốn dành thời  gian cho người bệnh.

“Chính vì các yếu tố đó nên việc khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe sẽ không thể khám cặn kẽ chi tiết được do lưu lượng bệnh nhân  đến khám, chữa bệnh tại đây hàng ngày lên đến hàng nghìn người” ông Hiển nói.

"Cả nước Việt Nam chẳng có bệnh viện nào có thể làm đúng quy trình", Trưởng phòng chính trị bệnh viện 19/8 - Bộ Công an nói.

Đại diện bệnh viện 19/8, ông Hiển cũng khẳng định việc khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe để được đầy đủ thì có lẽ cả nước Việt Nam chẳng có bệnh viện nào có thể làm đúng được qui trình như thế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc phản ánh thu viện phí chênh lệch, bệnh viện sẽ cho thanh tra lại và sẽ xử lý nghiêm  cán bộ vi phạm.

Khi phóng viên hỏi về qui trình khám tại bệnh viện Bạch Mai, ông Hiển khẳng định việc khám và cấp giấy hoàn toàn đúng qui trình. Nhưng ông này lại không lý giải được khi PV hỏi về chất lượng khám có đảm bảo hay không khi chỉ cần một bàn khám đa khoa đối với tất cả hạng mục cần khám.

Về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Phó giám đốc Bệnh viện ông Phạm Văn Vững cho biết việc thu lệ phí, không có biên lai, phiếu thu có thể là do người đến khám vội về nên không lấy hóa đơn còn tất cả những ai đến khám tại đây đều được bác sĩ ghi lại. 

“Về chất lượng khám ở đây thì đảm bảo cho dù chỉ cần 1 bác sĩ đa khoa là đã có thể khám hết các hạng mục trong giấy sức khỏe yêu cầu”, ông Vững nói.

Lý giải với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vững cho hay về phiếu thu (khi PV trong vai người đến khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe) chưa nhận được nguyên nhân do hệ thống mạng máy tính ngày hôm đó… bị lỗi đến khi PV đến làm việc bệnh biện đã khắc phục, đã có phiếu thu.

Ông Lê Hưng – Giám đốc Bệnh viện Đống Đa khẳng định, những nội dung mà bạn đọc phản ánh về việc khám qua loa, sơ sài và chưa đúng quy trình là “không sai” và “có cơ sở”.

Bản thân ông Hưng khi xem tờ phiếu khám cũng đã phát hiện ra sai sót của cán bộ bác sĩ tại đây. Các sai sót được ông Hưng điểm mặt chỉ tên như: Bác sĩ khám ở hạng mục không ký tên đầy đủ khi kết luận , giấy khám sức khỏe không có ảnh vẫn cấp là sai.

Lý giải về việc này, ông Hưng nói do bệnh viện đang trong quá trình sửa chữa, chưa sắp xếp một khu dành riêng cho việc khám và cấp giấy chứng nhận như trước đây bệnh viện nên việc kiểm tra, giám sát khó thực hiện dẫn đến tình trạng trên.

Tuy nhiên, theo ông Hưng thì bác sĩ tại đây đều có thâm niên công tác khám chữa bệnh, nên đối với việc người dân đến khám để được cấp giấy chứng nhận, các bác sĩ chỉ mới dùng các biện pháp kĩ thuật thông thường đã có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe người đó. Mặt khác, do người yêu cầu được khám nhanh nên xảy ra tình trạng trên.

Không chỉ ở các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý việc khám sức khỏe diễn ra không đúng quy trình mà ở các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải tình trạng nêu trên cũng không khá hơn là bao. (Còn nữa). 

Theo lãnh đạo 1 cơ quan Nhà nước, việc khám sức khỏe kiểu “lạ đời” ở các bệnh viện khiến các, cơ quan tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp tổn thất nặng nề. Những cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng sẽ không thể nào nhận biết được ai đủ sức khỏe, ai có dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện, hay mang trong mình những bệnh truyền nhiễm để phân công những công việc hay thu xếp nơi làm việc sao cho hợp lý.
 
Mới đây, tại buổi hợp tác chiến lược giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ Y tế xây dựng thông tư thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các quy định tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên, người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa về cơ bản đều đã có các quyết định trước đây, Bộ Y tế sẽ cố gắng sớm ban hành thành các thông tư.

Long Sơn – Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang