Bài 2: Phơi bày dấu hiệu vi phạm của 'viên uống trắng da'

author 16:37 23/02/2021

(VietQ.vn) - “Viên uống trắng da toàn thân” thực chất là tên “tự phong”, được tô vẽ bằng nhiều hình thức quảng cáo vi phạm pháp luật để che giấu bản chất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Như Chất lượng Việt Nam đã phản ánh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe C. do Công ty Cổ phần chăm sóc sắc đẹp N chịu trách nhiệm công bố, được phân phối độc quyền bởi Công ty TH có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, sản phẩm này được quảng cáo là “viên uống trắng da toàn thân”, sử dụng hình ảnh bác sỹ và khách hàng để giới thiệu công dụng của sản phẩm, thu hút người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc có khả năng điều trị nám da, tàn nhang và kích thích làm trắng da. Điều này có dấu hiệu trái quy định của pháp luật.

Dù có dấu hiệu vi phạm pháp luật như vậy nhưng khi trao đổi với PV, đại diện công ty lại phủ nhận trách nhiệm và cho rằng lỗi do đại lý tự ý quảng cáo nên không thể kiểm soát thông tin, còn trên website chính thức của công ty thì rất “sạch sẽ” không có bất cứ dấu hiệu vi phạm pháp luật nào.

Theo tìm hiểu của PV, viên uống C chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cấp, sản phẩm được phép quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng tính đàn hồi cho da; Hỗ trợ hạn chế quá trình lão hóa da, hạn chế sạm da và hỗ trợ da sáng mịn.

Tuy vậy, theo quảng cáo, ngoài việc sử dụng chiêu như gắn mác người nổi tiếng, tư vấn như thuốc điều trị… viên uống C còn “tự phong” và “biến hình” thành “viên uống trắng da toàn thân” nhằm đánh lừa người tiêu dùng khi chưa hiểu bản chất của sản phẩm. Đồng thời, trên website chính của công ty, sản phẩm còn được quảng cáo: “Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã hợp tác cùng các chuyên gia Pháp nghiên cứu”. 

Về vấn đề này, khi trao đổi với PV, đại diện công ty cho biết, đề tài 100% của Viện Hàn lâm, công ty chỉ mua lại, nhà máy sản xuất cũng của Viện Hàn lâm (tức của một người công tác trong Viện).

Còn thực chất, theo tìm hiểu của PV, tại “Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ” ký kết giữa Công ty Cổ phần chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp N và Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), nội dung thể hiện Công ty N chỉ đặt hàng bên Viện Hóa học nghiên cứu xây dựng quy trình tạo bột nguyên liệu do phía công ty này cung cấp, không hề có việc Viện Hàn lâm hợp tác cùng chuyên gia Pháp nghiên cứu như quảng cáo. Bản chất ở đây là nguyên liệu do công ty N cung cấp có nguồn gốc nhập khẩu từ Pháp. Như vậy, sản phẩm C đang quảng cáo “gắn mác” Viện Hàn lâm là cố tình lừa dối người tiêu dùng.

Chưa hết, Viện Hóa học chỉ tạo bột nguyên liệu nano có kích thức 45 -115nm (nano mét) nhưng lại được Công ty TH quảng cáo là các hạt nguyên liệu chiết tách có kích thước siêu nhỏ 10-15nm. 

Mặc dù vậy, trong rất nhiều quảng cáo sản phẩm này đều gắn mác Viện Hóa học, Viện Hàn lâm như một cách để “bảo hộ” cho sản phẩm nhằm tăng uy tín. Câu hỏi đặt ra, liệu các đơn vị nói trên có biết việc quảng cáo này? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết tiếp theo!

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang