Bài cuối: Chặn buôn bán hàng giả, hàng nhái: Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

author 10:28 29/01/2021

(VietQ.vn) - Kinh doanh hàng lậu, hàng nhái qua kênh online tồn tại là nhờ mạng lưới bưu chính rộng khắp, “điểm huyệt” kênh phân phối này là một trong những biện pháp siết chặt và kiểm soát hoạt động này.

Bất cập trong quy định

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389, một trong những nguyên nhân giúp sức tích cực cho buôn bán hàng giả, hàng nhái trên kênh online là việc vô tình giúp sức của hoạt động bưu chính trong khi chưa có sự đồng bộ trong xử lý tình huống này do bất cập của quy định hiện hành.

Hiện, các quy định pháp luật liên quan đến quyền/trách nhiệm/nghĩa vụ của doanh nghiệp bưu chính trong việc kiểm soát nội dung gói, kiện hàng hóa khi chấp nhận, vận chuyển không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm hóa đơn mua bán…

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Bưu chính, doanh nghiệp có quyền từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp (DNBC được quyền tự quy định các điều kiện phù hợp với năng lực và pháp luật liên quan để bảo vệ cho chính DNBC, trong đó có nội dung từ chối chấp nhận bưu gửi nếu không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng gửi).

Trong thực tế một số DNBC chưa thực hiện đúng theo quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quy định tại khoản 3, Điều 29 Luật Bưu chính là kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Luật Bưu chính quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền tạm đình chỉ các vật phẩm, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nếu xác định có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời cũng quy định nghĩa vụ từ chối vận chuyển nếu hàng hóa đó thuộc diện cấm lưu thông.

Còn thực tế, khả năng phát hiện bưu gửi vi phạm hàng cấm gửi của nhân viên bưu chính (nhất là người lao động trực tiếp làm việc tại các khâu chấp nhận, khai thác) rất khó khăn do đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi nhân viên bưu chính không có công cụ/trang thiết bị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng cấm.

Cơ quan chức năng bắt giữ số lượng lớn hàng giả, hàng nhái bán qua kênh online. 

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thu giữ, xác định, giám định tình trạng pháp lý hàng gửi (nhất là bưu gửi có chứa vật nghi là ma túy) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hải quan, công an…) thường mất nhiều thời gian; ảnh hưởng đến chất lượng toàn trình bưu gửi, dẫn đến việc doanh nghiệp bưu chính ít nhiều có tâm lý e ngại trong chủ động phối hợp, thông báo với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ bưu gửi chứa hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Tăng cường công tác phối hợp

Cùng với sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn lợi dụng mạng lưới bưu chính để gửi và kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua kênh online. Trong đó, các doanh nghiệp bưu chính có thể đề nghị người gửi mang hàng hóa đến đóng gói bằng các hộp chuyên dụng của đơn vị, để kết hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặp kịp thời các loại hàng hóa cấm gửi.

Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu DNBC cần phải đào tạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân viên chấp hành nghiêm quy định trong quá trình chấp nhận bưu gửi; thận trọng kiểm tra, giám sát các loại bưu gửi. Khi nhận gửi phải đối chiếu với giấy tờ tùy thân, ghi rõ cụ thể và chính xác tên, tuổi, địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Trong trường hợp phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương, lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường và Công an, cơ quan thuế kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bưu chính… là ý kiến được các đại biểi đưa ra tại hội nghị tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.

Cuộc chiến chống hàng giả trên nền tảng trực tuyến không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ sự chủ động của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần chủ động trang bị các kiến thức và kinh nghiệm mua hàng trực tuyến, không nên tin tưởng vào những chiêu trò quảng cáo quá đà. 

Đặc biệt, người tiêu dùng phải có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình trước tiên. Khi nhận hàng cần chú ý đến nhãn mác, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời chủ động thông tin tới cơ quan chức năng tố giác với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang