Bài cuối: Lời giải cho vấn nạn buôn bán bánh kẹo kém chất lượng

author 10:12 04/02/2021

(VietQ.vn) - Bất cập đến từ chế tài xử phạt và quy chế hoạt động còn chưa phù hợp với thực tiễn đã tạo lỗ hổng cho các mặt hàng bánh kẹo giả, nhái công khai tồn tại.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo các chuyên gia, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các mặt hàng bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan dịp cận Tết đang gây lo ngại cho người tiêu dùng do được chế biến không đảm bảo vệ sinh, sử dụng các chất hóa học, phẩm màu độc hại.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thường có giá thành đắt, do vậy, vì mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở sử dụng phụ gia công nghiệp để chế biến thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có nguy cơ chứa các chất độc hại. Trong đó, chất Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư; chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư; hay chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản, kiệt quệ các tế bào não...

Đặc biệt, phẩm màu công nghiệp vẫn được sử dụng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như bánh kẹo, thạch... dễ gây ra ngộ độc. Đáng lo ngại, bằng mắt thường không thể phát hiện phẩm màu trong bánh kẹo là phẩm màu công nghiệp hay phẩm màu tự nhiên. 

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã triệt phá, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, sản xuất bánh kẹo giả, nhập lậu nhưng dường như chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe.

Bánh kẹo, các loại mứt nhuộm phẩm màu công nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, hành vi vận chuyển bánh kẹo nhập lậu chỉ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Nếu muốn xử phạt vi phạm về VSATTP, lực lượng chức năng buộc phải lấy mẫu bánh kẹo nghi vấn, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để kiểm nghiệm. Thế nhưng, chi phí phân tích mẫu rất đắt, trong khi kinh phí hoạt động của các đơn vị này không nhiều.

Có thể thấy, những khó khăn, bất cập trong chế tài xử lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng và không đủ răn đe. Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ: Mặc dù việc kiểm soát xử lý hàng giả trên thị trường truyền thống thời gian qua có những kết quả nhất định nhưng các đối tượng rất tinh vi, liên tục thay đổi hành vi, thủ đoạn gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Cụ thể, thời gian gần đây xuất hiện hình thức bán hàng giả, hàng kém chất lượng qua mạng xã hội facebook, zalo. Thậm chí, chính người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng làm ngơ trước thực trạng này. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận do gian lận thương mại mang lại. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ: Nhiều người biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng lại ngại đấu tranh.

Tăng cường phối hợp kiểm tra

Theo ông Phạm Bá Dục, để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra hàng hóa trên thị trường qua đó phát hiện, xử lý các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cơ quan chức năng bắt giữ số lượng lớn kẹo gắn mác nước ngoài. 

Từ thực tế đó, ông Dục kiến nghị: “Thời gian tới, cơ quan lập pháp cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra xử lý hình sự qua đó răn đe, giáo dục đối tượng cố tình vi phạm”. Bên cạnh đó, người tiêu dùng, doanh nghiệp mạnh dạn tố cáo các vi phạm để cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đồng quan điểm này, ông Trần Việt Hùng cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-QLTTHN về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm và Tết Tân Sửu. Ngoài ra, xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm cơ quan chức năng  tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cụ thể tại các chương trình hội chợ, khuyến mại, chương trình đẩy mạnh ủng hộ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức tại địa phương. Tại đây, ngăn chặn các cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng hóa, sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người tiêu dùng có ý thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc; hướng dẫn phân biệt bánh kẹo hàng thật - hàng giả, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

 Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang