Bài cuối: Tìm lời giải vấn nạn sâm Ngọc Linh nhập nhèm thật - giả

author 10:05 11/03/2021

(VietQ.vn) - Để xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bên cạnh việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, thách thức không nhỏ với cơ quan chức năng trước hết là phải ngăn chặn triệt để vấn nạn làm giá, làm giả như hiện nay.

Nhiều thách thức 

Qua thời gian nghiên cứu, đến nay sâm Ngọc Linh được khẳng định là loại sâm có giá trị dược tính tốt nhất thế giới và trở thành sản vật được săn lùng nhiều nhất. Tuy nhiên, do sự quý hiếm của sản vật này mà nhiều gian thương đã bất chấp thủ đoạn để làm giả, thổi giá, làm méo mó thị trường sâm Ngọc Linh nhằm thu lợi bất chính. Đây được xem là vấn nạn mà nhiều năm trở lại đây chưa có lời giải triệt để.

Cũng cần nói thêm, ở thủ phủ của sâm Ngọc Linh, hai địa phương là Kon Tum, Quảng Nam đang từng bước triển khai xúc tiến chương trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh. Trong đó, nhiều hoạt động đã được triển khai hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dược liệu trong đó có sâm Ngọc Linh như công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại; phối hợp các bộ, ngành Trung ương đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu sâm Ngọc Linh…

Đặc biệt, năm 2018, sự ra đời của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh được coi là bước ngoặt khẳng định quyết tâm của Chính phủ muốn đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, cạnh tranh với những loại sâm khác trên thị trường quốc tế. Trong đó, nhiệm vụ là làm rõ sâm Ngọc Linh là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới; phải bảo vệ nguồn gen và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh hiện nay tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum.

Việc nghiên cứu cũng hướng vào phân biệt sâm giả, sâm thật, đồng thời có cơ sở để xử lý nghiêm những đối tượng làm giả sâm Ngọc Linh, ảnh hưởng đến thị trường, sức khỏe người dân.

 Một vườn ươm sâm Ngọc Linh.

Hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cũng ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, trong đó quy định tính chất, chất lượng, đặc thù của sâm Ngọc Linh, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của sâm Ngọc Linh để đối chiếu, so sánh làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh sâm giả, giả mạo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.

Trên thực tế, việc phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả hầu như chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm. Do đó, việc quản lý đối với mặt hàng này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và là thách thức đối với ngành chức năng. 

Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng cũng gặp khó khăn do chi phí cao và cần nhiều thời gian, trong trường hợp số lượng sản phẩm vi phạm lớn ngành chức năng không thể lấy mẫu 1 sản phẩm để kết luận toàn bộ kho hàng là sâm Ngọc Linh giả. Ngoài ra, vì giá trị rất lớn, thời gian bảo quản củ sâm ngắn (khoảng 1 tuần) nên việc tạm giữ hàng hóa bị nghi ngờ giả mạo sâm Ngọc Linh là rất khó khăn.

Một nguyên nhân quan trọng khiến cho việc quản lý trị trường sâm Ngọc Linh còn nhiều khó khăn chính là việc rao bán sâm Ngọc Linh thường được các đối tượng thực hiện trên các trang web, mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Địa điểm kinh doanh thường là nhà riêng, hàng hóa cất giấu ở nơi kín đáo nên khó có thể phát hiện hoặc xác định được là để dùng trong gia đình hay phục vụ mục đích kinh doanh.

Từ thực tế trên, để khai thác hiệu quả giá trị của sâm Ngọc Linh, cùng với việc chú trọng mở rộng diện tích, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong chế biến, kinh doanh mặt hàng này cũng cần được siết chặt để không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả

Hiện nay, sâm Ngọc Linh được làm giả phổ biến với củ tam thất. Cụ thể, có 3 loại tam thất rất giống với sâm Ngọc Linh và được làm giả nhiều nhất là: Tam thất bắc, tam thất ruột vàng, tam thất xốp Sapa. 
 
Dưới đây là cách phân biệt 3 loại tam thất này với sâm Ngọc Linh để người mua dễ dàng phân biệt, chọn được sản phẩm chất lượng.

So sánh tam thất bắc với sâm Ngọc Linh

So sánh sâm ngọc linh và tam thất bắc. 

Sâm Ngọc Linh làm giả với tam thất ruột vàng

So sánh sâm ngọc linh với tam thất ruột vàng.
 

– Cách nhận diện tam thất ruột vàng:

+ Bề ngoài: Tam thất ruột vàng nhìn củ màu mỡ nhẵn nhụi, củ nằm hoàn toàn trong lòng đất (hoàn toàn không có củ lộ thiên). Vỏ tam thất ruột vàng có màu vàng ong, khi cắt thấy thớ bên trong cũng màu vàng. Phần ngọn của tam thất ruột vàng bên trong không có thớ tím, mắt to.

+ Khi ăn: Tam thất ruột vàng không có vị đắng mà vị ngái. Ăn xong một lúc thấy ngái ở cổ, nóng cổ, háo nước, rát cổ (có thể kéo dài cả ngày) như bị viêm họng.

+ Khi nhai: Tam thất ruột vàng khi nhai không có cảm giác giòn mà ăn thấy sồn sột, dai có nhiều xơ, bẻ đôi thấy rõ các xơ.

Sâm Ngọc Linh làm giả với tam thất củ xốp của Sapa

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh và tam thất xốp Sapa
 

Cách nhận diện tam thất củ xốp của Sapa:

– Bề ngoài: Tam thất củ xốp của Sapa bên ngoài màu xanh rêu, đôi khi có màu trắng, màu thớ lõi bên trong không vàng.

– Khi cầm: Tam thất củ xốp của Sapa khi cầm thấy nhẹ, hình dáng giống hệt sâm Ngọc Linh nhưng khi bẻ ra thấy xốp.

– Khi ăn: Tam thất củ xốp của Sapa khi ăn cảm giác giống như ăn khoai sống không có vị đắng, không ngọt.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm Ngọc Linh trồng

Chính bởi giá trị dinh dưỡng cao mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe con người nên sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đang bị săn lùng ráo riết dẫn đến kiệt quệ, khan hiếm. Do vậy, sâm Ngọc Linh trồng cũng trà trộn vào sâm tự nhiên rất nhiều.

Để bảo vệ nguồn gen quý hiếm này, Chính phủ thông qua đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh đến năm 2030, chuyên canh 19.000 ha tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My. Sâm Ngọc Linh trồng nhưng thực chất sâm được sinh trưởng và phát triển trong rừng, con người chỉ quy hoạch và nhân giống.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm Ngọc Linh trồng.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh giả qua kiểm định hoạt chất

Cách chính xác nhất để có thể xác nhận được củ sâm đó có phải là sâm Ngọc Linh hay không dựa vào kết quả kiểm định hợp chất. Chỉ có các trung tâm kiểm định chuyên sâu mới kiểm định được các hợp chất đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.

Các trung tâm kiểm định sử dụng phương pháp hóa học và sắc ký lớp mỏng để xác định các thành phần hóa học có trong sâm sau đó dựa vào kết quả nghiên cứu thành phần hóa học này để kết luận. Theo đó sâm Ngọc Linh sẽ được thử nghiệm định tính hợp chất saponin toàn phần bằng phương pháp hóa học và định tính hợp chất saponin toàn phần theo chuẩn M-R2, G-Rg1, G-Rb1 bằng sắc ký lớp mỏng.

Nếu kết quả kiểm tra đúng tiêu chí, có các hợp chất saponin theo chuẩn sâm Ngọc Linh thì trung tâm kiểm định sẽ đưa ra kết luận xác nhận củ sâm đó là sâm Ngọc Linh.

Lưu ý, trong tam thất cũng sẽ có thành phần M-R2 và một số hoạt chất giống như sâm Ngọc Linh, tuy nhiên hàm lượng ít hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh thật. Vì vậy, nếu khách hàng mua phải tam thất rao bán là sâm Ngọc Linh thì vẫn tốt cho sức khỏe nhưng chi phí bỏ ra không xứng với giá trị thật của sản phẩm. Trên cả nước chỉ có 3 trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM kiểm định được sâm Ngọc Linh, người đi kiểm định phải chờ đợi, tốn kém chi phí, không thuận tiện… vì thế nhiều cá nhân và đơn vị bán lợi dụng trà trộn một số loại giả mạo sâm Ngọc Linh.

Do đó, người tiêu dùng khi có nhu cầu mua sản phẩm cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và tìm đến các địa chỉ phân phối lớn để đảm bảo mua được sâm Ngọc Linh chuẩn. Nhiều người thường có tâm lý phải đến tận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam mới mua được sâm Ngọc Linh chuẩn, tuy nhiên khi sâm được thu hoạch hoặc tìm được thường sẽ chuyển đến các thành phố lớn – nơi có nhu cầu tiêu thụ cao.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang