Bài cuối: Triệt tận gốc rượu 'dởm' gắn mác xách tay: Cần những 'quả đấm thép'

author 16:05 01/02/2021

(VietQ.vn) - Các loại rượu giả, nhái gắn mác xách tay đang lưu hành trên thị trường có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức cơ quan chức năng.

Hàng xách tay đến từ đâu?

Phần lớn các mặt hàng rượu giả, rượu nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường hiện nay đều "đội lốt" hàng xách tay để lừa dối người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2015/TT-BTC quy định: “Người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai tờ khai Hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc các đối tượng: Có hàng hóa phải nộp thuế đối với rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít…”.

Tuy nhiên, quy định trên chỉ hạn chế một phần, thực tế với công nghệ như hiện nay, các đối tượng vẫn có thể chuyển hướng chế tạo ra hàng nhái nguyên “seal” (bao bì) nhanh như một “nốt nhạc. Thủ đoạn kinh doanh rượu giả của các đối tượng ngày càng tinh vi, đặc biệt là những nhãn rượu nổi tiếng trên thế giới. Thủ đoạn thứ nhất là làm giả toàn bộ, dùng chai rượu đã sử dụng, sau đó dùng loại rượu kém chất lượng để đóng vào chai. Loại giả thứ 2 là giả toàn bộ từ chai, nút, nhãn mác được đưa vào từ nước ngoài và đóng chai tại Việt Nam

Rượu được làm giả, nhái bày bán trên thị trường. 

Thậm chí hiện nay không ít đơn vị mua hàng gần hết hạn của nước ngoài về dập lại hạn sử dụng hoặc bán hàng giả cho người tiêu dùng… Với chiêu bài này, nhiều sản phẩm là hàng giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng vẫn trót lọt thâm nhập và tiêu thụ ngoài thị trường.

Ngoài ra, Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định, người nhập cảnh, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau: Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít, đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít; Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; Các vật phẩm khác (không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam. Riêng người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế… chỉ được hưởng định mức hành lý miễn thuế theo quy định nêu trên cứ 90 ngày 01 lần.

Với quy định như trên, câu hỏi đặt ra, hàng xách tay được quảng cáo và lưu hành trên thị trường ở đâu mà đa dạng chủng loại và số lượng lớn như vậy?

Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức về những cơ sở, cá nhân kinh doanh và sản xuất rượu gắn mác “xách tay”, hậu quả và tổn hại về kinh tế do những đối tượng nêu trên gây ra. Trong khi đó, việc truy quét, triệt phá cơ sở kinh doanh những loại rượu giả, nhái và gắn mác “xách tay” còn rất khiêm tốn, chủ yếu vào những đợt cao điểm so với quy mô thị phần loại rượu này đang chiếm lĩnh thị trường.

Cơ quan chức năng kiểm tra và thu giữ số lượng lớn rượu gắn mác hàng xách tay.

Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98 năm 2020, những loại rượu được quảng cáo, kinh doanh giới thiệu nếu không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng... thì thuộc loại nhập lậu. Vì vậy, việc kinh doanh các loại rượu gắn mác xách tay để lừa dối người tiêu dùng vừa có dấu hiệu trốn thuế vừa có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015. Quy định là vậy nhưng nhiều năm nay, hoạt động kinh doanh mặt hàng rượu, đồ uống xách tay vẫn diễn ra công khai và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đồng thời, Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/11/2017 cấm hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn trên 15 độ nhưng các hoạt động quảng cáo rượu qua mạng xã hội, internet vẫn diễn ra công khai, chủ yếu thuộc trường hợp hộ cá thể và cá nhân gây khó cho việc xử lý. Bên cạnh đó, hiện các cơ quan chức năng chưa có đội chuyên trách, hoặc lực lượng còn quá mỏng để kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán rượu online. Từ thực tế trên, các đối tượng kinh doanh tỏ ra nhờn luật, bất chấp thủ đoạn để kinh doanh, sản xuất trái phép.

Những con số biết nói

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho hay, dịp Tết Nguyên đán năm 2020, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận 910 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó 236 trường hợp bị ngộ độc rượu bia. Dịp Tết Nguyên đán năm 2019, con số này là gần 1000 trường hợp ngộ độc rượu bia. Đây là những con số biết nói cho thấy mối nguy hại khủng khiếp của rượu bia. 

Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày càng nhiều người ngộ độc do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Mỗi năm, trong dịp Tết, số người bị ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu của cả năm.

TS. Phạm Duệ, người trực tiếp chỉ đạo cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu ngoại tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bach Mai giải thích: Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ khác nhau ngộ độc rượu có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Say rượu không đơn giản như nhiều người nghĩ, uống say, mệt chỉ 1-2 ngày là hết, sức khỏe sẽ trở lại bình thường. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như suy gan, suy thận và có thể tử vong. Thậm chí có những bệnh nhân nồng độ cồn công nghiệp trong máu tại thời điểm nhập viện không cao nhưng sau đó lại nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, suy đa tạng. Nguyên nhân do methanol đã chuyển hóa thành a-xít, xâm nhập vào gan thận. Với những trường hợp này, nguy cơ tử vong rất cao, nếu được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng như mù, suy thận.

Từ thực tế trên, việc quản lý mặt hàng này đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Lực lượng QLTT vẫn tập trung triển khai 2 nhiệm vụ chính là tiếp tục kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử và triển khai kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, chuyên môn, chính thức về phòng, chống gian lận thương mại trong chức năng nhiệm vụ của lực lượng Quản lý Thị trường. Đặc biệt, Tổng cục tiếp tục nâng cao năng lực trong nội bộ của lực lượng kiểm soát viên, triển khai tổ chức sát hạch, kiểm tra thường xuyên. Mặt khác, sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất cần có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh thì hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang