Bài học cho phóng viên

author 13:40 11/04/2014

Trên chuyên trang Poynter, Jan Winburn, cây viết xuất sắc hiện đang là Biên tập viên chính của CNN Digital, đã chia sẻ về những bí quyết tác nghiệp mà bà học được từ các phóng viên đã giành giải báo chí xuất sắc nhất.

1.Sự hợp tác đóng vai trò to lớn trong thành công của các nhà báo

Đừng bao giờ quên câu nói: “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của cha ông, vì cho đến giờ, câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Jan Winburn, nữ Biên tập viên cao cấp của CNN Digital

Trong nghề báo, sự cộng tác, cùng chia sẻ nguồn tin và hỗ trợ nhau khi tác nghiệp là một trong những mấu chốt để thành công.

Dù là một nhà báo giỏi đến đâu, bạn cũng sẽ không bao giờ “thạo tin” trong mọi lĩnh vực, cũng như không thể làm chủ được mọi tình huống. Bạn có thể rất giỏi khi làm tin sự kiện, tận dụng mạng xã hội và các công cụ kỹ thuật số nhưng lại luống cuống khi phải đưa thêm vào một lời bình sâu sắc, độc đáo và khôn ngoan hoặc ngược lại. Trong trường hợp này, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp.

Sự hợp tác cho phép nhà báo tận dụng được thế mạnh của từng cá nhân từ đó sẽ cho ra đời những ấn phẩm báo chí hoàn hảo hơn, chất lượng hơn. 

Sự hợp tác nhuần nhuyễn giữa các bộ phận trong tòa soạn như phóng viên hiện trường, biên tập viên, phóng viên ảnh... và các cấp quản lý khác cũng có ý nghĩa quyết định đến thành công của bất cứ tờ báo nào.

Sự hợp tác là điều tối cần thiết khi phóng viên hoạt động trong vùng xung đột

Hơn nữa, sự hợp tác sẽ có ý nghĩa sống còn nếu bạn đang phải làm nghề trong các vùng xung đột, các điểm nóng chính trị hay điều tra các sự kiện có “mùi nguy hiểm”. Không phải ngẫu nhiên mà bài học nằm lòng đầu tiên cho mọi phóng viên chiến trường đó là cực kỳ hạn chế tác nghiệp đơn độc có thể bảo toàn tính mạng.

2. Nơi nào bị “hạn chế nhòm ngó”, nơi ấy có nhiều khả năng đang có người bị hại 

Alexadra Zayas, một phóng viên của Thời báo Tampa Bay – một tờ, đã có loạt bài điều tra xuất sắc với tên gọi “Nhân Danh Thiên Chúa” vì nghi ngờ có điều mờ ám đang xảy ra ở Truth Baptist Academy, một trường dòng “bán quân sự” dành cho các bé trai từ 13 đến 17 tuổi ở thành phố Panama, bang Florida, Mỹ.

Biển cấm trước ngôi trường dòng đầy tội lỗi ở Mỹ

Không chỉ chọn vị trí ở một nơi rất hẻo lánh, ngôi trường dòng này còn có quyền miễn trừ giám sát từ các cơ quan nhà nước vì các “lý do tôn giáo”. Bằng những nghiệp vụ của mình, Zayas đã phát hiện ra tại đây, có nhiều đứa trẻ bị thương nhẹ, xước sát với nhiều vết máu và bị cùm trong nhiều ngày. 

Vụ điều tra sau đó đã làm chấn động nước Mỹ: Trẻ em bị giam lỏng, lạm dụng tình dục đồng giới một cách dã man. Có những đứa trẻ đã bị cưỡng bức và hành hạ hàng chục lần mỗi ngày, các nhà chức trách khi tiến hành điều tra cũng phát hiện bé trai bị thương với chiếc quần lót ướt đẫm máu. 

Câu chuyện báo chí trên là một trong những minh chứng cho thuyết điều tra cơ bản và hiển nhiên nhất: nơi nào có biểu hiện che giấu nơi ấy tất có điều ám muội. 

3. Kể cả trong thời đại kỹ thuật số, những kỹ năng làm báo truyền thống vẫn giữ vai trò tối quan trọng 

Dù đang ở thời đại nào, người làm báo luôn cần phải rèn dũa hai điều cơ bản nhất, đó là kỹ năng phỏng vấn và hiểu biết về con người. 

Về vấn đề này, Sam Roe, một thành viên của The Chicago Tribune đã nói: 

“Trong thời đại báo chí ngày nay, khi mà mọi người quá chú trọng vào việc nâng cao các kỹ năng mang tính ‘kỹ thuật số’, tôi lại nghĩ rằng việc phát triển kỹ năng phỏng vấn vẫn là điều quan trọng hơn. Câu chuyện có thể thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào khả năng dẫn dắt các cuộc phỏng vấn trực tiếp của phóng viên khi tác nghiệp”.

Phỏng vấn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi làm báo

Nhà báo Marisa Dwiatkowski của tờ The Times cũng đồng ý với quan điểm trên. 

“Một trong những điều quan trọng nhất là khả năng nói chuyện với mọi người và tương tác được với họ”, cô nói.

Những câu chuyện, dù có được xây dựng cầu kỳ đến đâu, cũng sẽ trở thành đơn điệu nếu nhà báo không có được sự tương tác với con người, ở cả hai khía cạnh: đối tượng phỏng vấn và người đọc. 

4. Hãy để đối tượng mình đang khai thác kể câu chuyện mà họ muốn kể 

Nhiếp ảnh gia Aaron Huey, người đã dành hàng năm để làm phim tài liệu Pine Ridge Indian Reservation về cuộc sống của những người Anh-điêng ở Dakota, Mỹ, cho biết ông đã chiếm được lòng tin của những thổ dân ở đây bằng cách hòa nhập vào cộng đồng của họ.

Một trong những bức ảnh xuất sắc nhất của Huey ở Dakota

“Thay vì nó ‘tôi muốn biết về cái này và anh hãy kể cho tôi về nó nhé’ tôi chỉ hỏi họ ‘anh muốn kể gì cho tôi nghe?’. Điều đó giúp họ muốn chia sẻ hơn.” 

Những bức ảnh của Huey trên National Geographic đã được các đồng nghiệp đánh giá cao. Huey cũng đã tiếp tục dự án của mình với tên gọi “Cộng đồng Pine Ridge kể chuyện” với mong muốn người Lakota sẽ tự kể câu chuyện của mình.

Những kinh nghiệm của Huey nhắc nhở chúng ta một "nguyên tắc vàng" khi tác nghiệp: Hãy hòa nhập vào cộng đồng, lắng nghe và chắt lọc để  có thể thu về những nguồn tin chân thực và độc đáo nhất.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang