Bài học quý giá về phát triển bền vững nhìn từ đại dịch Covid-19

author 06:31 29/01/2021

(VietQ.vn) - Những doanh nghiệp đã định hướng mô hình kinh doanh và chiến lược của mình theo hướng phát triển bền vững trong nhiều năm trước, thì trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ trụ vững khá tốt và coi đó là cơ hội để phát triển.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, 2020 là một năm đầy biến động, nhưng cũng là năm thể hiện rất rõ sự kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam. Sự phát triển, trụ vững của cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam có được thành quả tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng.

Nếu muốn đi dài trên con đường kinh doanh, doanh nghiệp phải ưu tiên hàng đầu đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, năm vừa qua đã giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững. Nên những doanh nghiệp đã định hướng mô hình kinh doanh và chiến lược của mình theo hướng phát triển bền vững trong nhiều năm trước thì trong bối cảnh đại dịch, họ trụ vững khá tốt và coi đó là cơ hội để phát triển.

Trong khi đó những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến một mô hình phát triển bền vững như vậy thì mỗi khi có biến động thị trường, đều lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sẽ phải phá sản, giải thể, rút khỏi thị trường. Do vậy, thực tiễn của một năm qua là bài học rất quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hình lại chiến lược và mô hình kinh doanh có trách nhiệm, không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn mà phải trở thành tâm thế của cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nếu muốn đi dài trên con đường kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng chỉ ra, năm vừa qua một điều rất cần rút kinh nhiệm là việc thiết kế chính sách và tổ chức thực thi chính sách đang có khoảng cách khá lớn. Do đó, cần sự tăng cường hợp tác giữa cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong cả việc định hình và tổ chức chính sách.

Ông Lộc cho biết, năm 2021, điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong muốn chính là Chính phủ có những nỗ lực phối hợp toàn cầu để ngăn chặn dịch bệnh. Hơn nữa, muốn doanh nghiệp có thể định hướng theo hướng phát triển bền vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, chúng ta phải có một hệ sinh thái thích hợp, một hệ thống chính sách của Chính phủ ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Có thể nói rằng chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra là trở thành một trong bốn nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN.

Đây sẽ là hành trình mà tôi và cộng đồng doanh nghiệp hy vọng trong 5 năm tới chúng ta sẽ thực hiện được, góp phần giúp các doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cấp hoạt động kinh doanh, phải có những nỗ lực định hình theo hướng phát triển bền vững, chuyển đổi số. Đây là con đường bắt buộc các doanh nghiệp phải đi”, ông Lộc nêu ý kiến.

VITAS: Thực hành mua hàng có trách nhiệm sẽ hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững(VietQ.vn) - Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cùng với 8 hiệp hội khác tại 5 quốc gia thuộc mạng lưới STAR đã tham gia sáng kiến yêu cầu thực hành mua hàng có trách nhiệm hơn trong ngành dệt may. Các hoạt động mua hàng có trách nhiệm sẽ hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang