Nhật Bản và Singapore trở thành cường quốc năng suất lao động, bài học nào cho Việt Nam?

author 12:51 03/04/2020

(VietQ.vn) - Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể. Tuy nhiên để so với các nước khác trong khu vực, nhất là Singapore hay Nhật Bản thì vẫn chưa thể sánh bằng.

Sự kiện: Năng suất chất lượng

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp- đâu là nguyên nhân

Theo Tổng Cục Thống kê, những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2018, 2019 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới mới có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

 Năng suất lao động tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ nên việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối.

Do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.

Đặc biệt, trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng cũng đưa đến nguy cơ Việt Nam dễ “bị bỏ lại xa hơn” các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Do đó, một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động.

Để làm được điều này, ngoài việc thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam thì việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, đặc biệt là 2 quốc gia Singgapore và Nhật Bản cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để áp dụng vào Việt Nam.

Công cụ nào giúp Nhật Bản, Singapore trở thành 'cường quốc' về năng suất lao động

Có thể nói, hai quốc gia Nhật Bản, Singapore có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm ở mức cao. Một trong những bài học quan trọng khiến nền kinh tế của 2 nước này tăng trưởng tốt là do duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, cải tiến năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách phát triển và khởi xướng phong trào năng suất để giải quyết kịp thời các vấn đề đang gặp phải.

Những công cụ trong cải thiện năng suất của Nhật Bản

Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. Gần 20 năm đó đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Nhật Bản trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng. Một trong những bài học quan trọng là Nhật Bản đã nâng cao năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách phát triển.

Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện năng suất lao động trong giai đoạn từ 1960 đến những năm 1980 là: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; Bảo trì năng suất tổng thể (TPM); Sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục (Lean hay Kaizen).

Cụ thể, với công cụ thứ nhất là Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) cũng được nhiều nước trên thế giới đánh giá là một hệ thống quản lý chất lượng mang lại hiệu quả cao. Đây là công cụ tiếp cận về quản lý chất lượng ở mọi công đoạn, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả chung của doanh nghiệp hay của tổ chức. Chính nhờ áp dụng thành công TQM mà chất lượng sản phẩm của Nhật Bản sau vài thập niên từ yếu kém đã nâng lên một trình độ cao, có uy tín trên thế giới.

Công cụ thứ hai là Bảo trì năng suất tổng thể (TPM). Đây là công cụ quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM là một tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo trì (hay còn được hiểu là Duy trì) và Năng suất chất lượng. TPM cải thiện sử dụng máy móc nhờ công tác bảo trì tốt. TPM cũng hạn chế việc dừng chạy máy đột xuất, tạo điều kiện làm việc 24 giờ mỗi ngày trong điều kiện tốt nhất. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.

Công cụ thứ ba là sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục (Lean hay Kaizen). Trong đó, “Lean” là một hệ thống các công cụ và phương pháp nhằm liên tục loại bỏ tất cả những lãng phí trong quá trình sản xuất. Lợi ích chính của hệ thống này là giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và rút ngắn thời gian sản xuất.

“Kaizen” có nghĩa là “cải thiện”. Bản chất của Kaizen là thay đổi, không bằng lòng với hiện trạng hay phương pháp hiện tại mà luôn tìm kiếm một phương pháp tốt hơn. Nhờ phương pháp này mà Nhật Bản đã tạo ra được Công ty Toyota hay những tập đoàn hàng đầu thế giới khác của Nhật Bản.

EVN đề xuất miễn giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng vì dịch Covid-19(VietQ.vn) - EVN đang nghiên cứu và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét miễn giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Singapore: Quản lý tốt nguồn lực và đổi mới phong trào năng suất

Quốc gia thứ 2 cũng có nền tảng năng suất lao động vượt trội so với các nước trong khu vực chính là Singapore. Đây là nước có nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á (Kể từ khi giành được độc lập, giai đoạn 1965 – 2004, mức độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt 7%).

Trong giai đoạn này, GDP bình quân trên đầu người đã tăng hơn 50 lần và hiện tại đang ở mức khoảng 28.000 USD. Để đạt được thành tựu kinh tế to lớn này là nhờ Singapore đã quản lý rất tốt về nguồn lực về con người và phong trào năng suất.

Trước hết, để có thể đạt được nhiều kết quả tốt, cần mở rộng nền kinh tế bằng việc cải tiến hiệu quả sử dụng các nguồn lực của đất nước hay gọi là Các yếu tố năng suất tổng thể (TFP). Các yếu tố tác động đến TFP bao gồm phát triển nguồn nhân lực, các hệ thống quản lý, đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế. Điều này đã dẫn tới sự hợp nhất giữa NPB và Viện Tiêu chuẩn và Nghiên cứu Công nghiệp Singapore thành Cơ quan Năng suất và Tiêu chuẩn Singapore (PSB) vào năm 1996.

Để quản lý tốt hơn các yếu tố quyết định đến TFP, các lĩnh vực hoạt động mới của PSB là quảng bá năng suất, phát triển nhân lực, ứng dụng công nghệ, phát triển các tiêu chuẩn và chất lượng. Theo chính sách của Chính phủ, PSB cũng thực hiện một số dịch vụ thu phí như đào tạo, tư vấn, ứng dụng công nghệ, thử nghiệm và chứng nhận. Tuy nhiên, đến năm 2002, PSB đổi tên thành Cơ quan Tiêu chuẩn, Năng suất và Đổi mới (SPRING) để tập trung vào phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quảng bá và đổi mới, chuẩn hóa và đo lường.

Sau nhiều năm đẩy mạnh triển khai Phong trào năng suất đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các tổ chức như: Dịch vụ công, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Công đoàn quốc gia. Mỗi tổ chức này đều có các Ủy ban Chỉ đạo Năng suất, Ủy ban này điều phối và tổ chức hoạt động thường xuyên để duy trì các hoạt động cải tiến năng suất cho lực lượng lao động của mình.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang