Bài học vô giá từ Covid-19

author 06:38 25/04/2021

(VietQ.vn) - TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, thời gian qua, các sáng kiến trong ứng phó với Covid-19 đã mang lại hiệu quả, nhiều doanh nghiệp “lội ngược dòng” giữa đại dịch. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ Covid-19.

Ghi dấu sự kiên cường

Tại thời điểm này, cả thế giới vẫn đang gồng mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Không một quốc gia nào có thể khẳng định đã đánh bại hoàn toàn được virus SARS-CoV-2, chỉ một vài nước đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì sự phát triển kinh tế. Trong đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới và cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đạt được tăng trưởng kinh tế dương trong năm qua.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2020 ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và chúng ta đã phát hiện ra rằng, khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt, đồng thời đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng… Các sáng kiến trong ứng phó với Covid-19 đã được doanh nghiệp thực hiện với kết quả nhiều doanh nghiệp “lội ngược dòng” giữa đại dịch. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai hiệu quả. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ Covid-19.

Vina T&T Group xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn nông sản ra thế giới, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

 

 

Dù vậy, ông Lộc cũng cho rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định Việt Nam đã chiến thắng Covid-19. Những đợt bùng phát trở lại của dịch bệnh vào giữa tháng 7/2020 tại thành phố Đà Nẵng hay cuối tháng 01/2021 vừa qua tại tỉnh Hải Dương là sự nhắc nhở rằng, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp và tin tức về Covid-19 sẽ tiếp tục “phủ bóng” lên cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và sự vận hành của Chính phủ.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất dài hạn.

Đặc biệt, những giải pháp cải cách thủ tục hành chính rất cần được gia tốc. Các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch. Đó cũng chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Kiến nghị hàng loạt chính sách

Xuất phát từ thực tế trên, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc đề nghị: Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.

Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn.

Đồng thời, cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình và bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để đi tới trong tương lai.

Chống hàng giả: Giải pháp từ những thương hiệu lớn trên thế giới (VietQ.vn) - Thời gian qua, những thương hiệu thời trang lớn như Louis Vuitton, Cartier và Prada đã bắt đầu áp dụng blockchain vào cuộc chiến chống hàng giả.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Vũ Tiến Lộc, VCCI

tin liên quan

video hot

Về đầu trang