Bài thuốc chữa mất ngủ bằng cây hoa trinh nữ

author 07:17 14/03/2016

Người bị suy nhược thần kinh và mất ngủ, lấy 15 g cây hoa trinh nữ dùng riêng hoặc phối hợp với cúc bạc đầu 15 g, chua me đất 30 g, sắc uống.

Cây hoa trinh nữ hay còn gọi là mắc cỡ, xấu hổ

Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, trinh nữ còn có tên gọi khác là mắc cỡ, xấu hổ. Tên khoa học là Mimosa pudica L, thuộc họ đậu Fabaceae.

Cây mọc trong tự nhiên, thân nhỏ, phân nhánh nhiều, có gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn 2 lần, các cuống phụ xếp như chân vịt, khẽ đụng vào là cụp lại. Mỗi lá mang từ 15 đến 20 đôi lá chét. Hoa màu tím đỏ, nhỏ, tập hợp thành hình đầu, có cuống chung dài ở nách lá. Cụm quả hình ngôi sao, quả thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông cứng.

Trinh nữ thường mọc ven đường, bãi cỏ, bờ đê, các bãi hoang, trên đất khô cẳn, chịu úng kém. Ra hoa tháng 6-10, có quả từ tháng 10 đến tháng một năm sau. Cây này nguyên sản ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở nước ta, trinh nữn mọc khắp nơi. Cây này cũng gặp ở khắp các nước nhiệt đới trên thế giới.

Người ta thu hái trinh nữ vào mùa hạ thu, loại bỏ tạp chất, phơi khô, dùng toàn cây, thường gọi là hàm thu thảo. Cây có vị ngọt, chát, tính mát, độc ít, tác dụng trấn tĩnh, an thần, hóa đàm chỉ khái, chỉ huyết, thu liễm, kháng AIDS.

Phân tích dược lý cho thấy trinh nữ chứa các thành phần: Mimoside, mimosine, hợp chất Se, D-penitol, 2”-o-rhamnosylisoorientin, 2”-o-rhamnosylorientin, protein, tannin. Cây có nhiều axit amin: Asp. (12,6%), Thr. (4,9%), Ser. (4,7%), Glu. (13,4%), Pro. (5,7%), Gly. (7,1%), Ala. (5,8%), Val. (4,7%), Met. (2,1%), Ile. (3,3%), Leu. (13,8%), Tyr. (4,8%), Phe. (5,4%), His. (2,5%), Lys. (4,4%), Arg. (4,8%). Lá chứa mimosin, mimoside, D-terpineol và nhiều hợp chất Se trong đó có selenite, protein co rút, ATP, adenosine triphosphate, ATPase, adenosine triphosphase.

Các nghiên cứu dược lý đã chứng minh, toàn cây trinh nữ có hoạt tính chống virus HIV, có tác dụng ức chế đối với Staphyloccocus aureus Rosenbach, Neisseria catarrhal, trực khuẩn đại tràng. Alcaloid có trong trinh nữ và nước sắc rễ cây có tác dụng ức chế đối với virus gây cảm cúm tuýp A châu Á và bệnh về mũi. Nước sắc rễ cũng có tác dụng cầm ho. Cành lá trinh nữ chế thành cao, có thể dùng làm thuốc chứa ung thư tuyến.

Trinh nữ thường được dùng để trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm phế quản, viêm kết mạc mắt, viêm gan, viêm ruột non, sỏi niệu, phong thấp tê bại, huyết áp cao. Liều dùng từ 10 đến 15 g. Không uống quá liều. Phụ nữ có thai kỵ dùng. Lưu ý: Chất Mimosine trong trinh nữ có độc nhẹ, người ăn phải những thực vật chứa độc tố này có thể bị rụng tóc. 

Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây trinh nữ như sau:

1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ: Trinh nữ 15 g dùng riêng hoặc phối hợp với cúc bạc đầu (Vernonia cinerea) 15 g, chua me đất (Oxalis repens) 30 g. Sắc uống.

2. Viêm phế quản mạn tính: Trinh nữ 30 g, rễ lá cây cẩm (Peristrophe bivalvis) 16 g. Tất cả đem sắc nước, chia thành 2 lần uống trong ngày.

3. Đau ngang thắt lưng, nhức mỏi gân xương: 20-30g rễ trinh nữ rang lên, tẩm rượu rồi sao vàng, sắc uống. Cũng có thể phối hợp thêm với rễ cúc tần và bưởi bung, mỗi vị 20 g, rễ đinh lăng và cam thảo dây, mỗi vị 10 g.

4. Chữa AIDS, sốt nhẹ, toàn thân không khoan khoái, da nổi mẩn đỏ, chảy nước: Hàm thu thảo (cây trinh nữ), trắc bách tiệp, hoàng bá, rau sam, thảo quyết minh, thạch lựu bì, các vị đều bằng nhau. Đem nấu tất cả, chắt lấy nước đặc tắm hoặc rửa. Bên cạnh đó dùng 2 g hùng hoàng tán bột trộn với lòng trắng trứng gà để bôi vào chỗ đau.

Theo VNE


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang