Bài toán phát triển nhân lực khoa học và công nghệ

author 07:50 13/10/2012

Người Việt xưa nay vẫn được đánh giá là thông minh, cần cù. Nhưng vì sao cho đến nay, nền khoa học nước ta vẫn bị đánh giá là lạc hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước? Đây là một trong những tâm tư của các nhà quản lý cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam. Những nguyên nhân, tồn tại trong quá trình phát triển nhân lực khoa học, công nghệ (KH-CN) đều đã được các bộ ngành nhận thức rõ, nhưng việc phát triển đội ngũ các nhà khoa học bắt đầu từ đâu, với trọng tâm nào thì dường như vẫn chưa có câu trả lời.

Những tồn tại và nguy cơ

Thống kê cho thấy, nước ta hiện có hơn 1.500 tổ chức KH-CN với hơn 60.500 người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phân bổ theo 5 lĩnh vực KHXH và NV; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Y- Dược và Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ. Cả nước có trên 4,2 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có 24.00 tiến sỹ, 101.00 thạc sỹ và 2,7 triệu người có trình độ đại học...
 
Trong hội thảo về phát triển nhân lực KH-CN vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Mặc dù số lượng thạc sỹ, tiến sỹ của nước ta không nhỏ và không ngừng tăng, nhưng tình trạng hụt hẫng đội ngũ làm KH-CN đang diễn ra và đang thiếu các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Trong số các nguyên nhân của thực trạng này, có thể kể đến việc chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều bất cập, chính sách phát triển KH-CN chưa mang tính đặc thù.
Cần đầu tư chú trọng phát triển nhân lực trẻ làm nghiên cứu KH
Cần đầu tư chú trọng phát triển nhân lực trẻ làm nghiên cứu KH
 
Phân tích rõ những tồn tại của quá trình phát triển đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu liệt kê, thời gian qua, chúng ta chưa chú trọng xây dựng, quy hoạch và phát triển đội ngũ viên chức KH-CN, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, các cán bộ chuyên môn đầu ngành; việc tuyển dụng và quản lý nhân lực KH-CN còn bất hợp lý; cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu KH-CN còn thiếu và yếu; cơ chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học chưa thật sự được mở rộng; tình trạng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra liên tục. Ts Văn Tất Thu đặc biệt nhấn mạnh đến việc cơ chế quản lý sử dụng và cơ chế lương, thưởng đối với đội ngũ người làm nghiên cứu, phát triển KH-CN còn mang tính bình quân chủ nghĩa, chưa dựa vào hiệu quả công việc nên không phát huy được hết năng lực, trí tuệ và sức sáng tạo của người làm khoa học.
 
Nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo tình trạng khủng hoảng đội ngũ trẻ làm nghiên cứu khoa học trong 10 năm tới. Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang lo lắng về thế hệ kế cận cho các nhà khoa học đã thành danh khi nhìn vào chất lượng đầu vào ngành khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Theo ông Giang, chất lượng đầu vào ngành khoa học cơ bản ngày càng thấp, các em giỏi hiện nay lựa chọn các ngành kinh tế tài chính ngân hàng thay vì khoa học cơ bản như trước đây. Ngoài ra, ông Giang cho rằng, văn hóa học thuật của giới trí thức nước ta với những bức tường của nó đã tự hạn chế khả năng tham gia vào quá trình chính sách. Phần lớn các nghiên cứu khoa học chưa xuất phát từ yêu cầu bức thiết từ thực tiễn, chưa hướng đến giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra.

Phát triển nhân lực KH-CN, bắt đầu từ đâu?
 
Những bất cập, tồn tại trong quá trình phát triển nguồn nhân lực KH-CN các cơ quan quản lý đều đã thấy. Nhưng vấn đề là hành động để khắc phục những bất cập này, thúc đẩy sự phát triển nhân lực KH-CN phải bắt đầu từ đâu? Theo ông Vũ Minh Giang, để tạo ra sự phát triển mới của đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học nước nhà, vấn đề trọng tâm, nên làm ngay chính là việc sử dụng các nhà khoa học một cách hiệu quả để họ phát huy đúng và phát huy hết năng lực sáng tạo và tri thức của bản thân cho xã hội. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù sử dụng một số nhà khoa học có năng lực; Nhà nước đặt hàng các chương trình, nhiệm vụ và giao cho các nhà khoa học này thực hiện. Chính những chính sách sử dụng đặc thù những nhà khoa học có năng lực với chính sách đãi ngộ, lương thưởng, vinh danh thỏa đáng sẽ khuyến khích các nhà khoa học khác nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo. Đồng thời, giới trẻ sẽ nhìn vào đó làm động lực và niềm say mê đi theo nghiên cứu khoa học.
 
Hiện tại, thực tiễn đang đặt ra rất nhiều những vấn đề bức thiết đối với quốc gia, dân tộc và sự phát triển mọi mặt của đất nước. Đời sống xã hội đang vận động không ngừng với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới với các mối quan hệ phức tạp, đời sống tự nhiên với những đe dọa mới về môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu; những yếu tố bất ổn trong vùng ảnh hưởng đến ổn định và chủ quyền dân tộc, tệ nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng… đang là những yếu tố đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững và tương lai của dân tộc. Bên cạnh những thách thức sẽ là những cơ hội trong quá trình phát triển. Cần phải có chính sách tập trung toàn bộ đội ngũ các nhà khoa học có năng lực, nỗ lực phát triển để nghiên cứu, đưa lại những nhận thức khoa học về các vấn đề trên, đồng thời đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm khắc phục, giải quyết các thách thức; phát huy tối đa các thế mạnh, cơ hội, các yếu tố tích cực đưa đất nước phát triển với một nền khoa học bắt kịp thế giới.
 
Chung quan điểm này, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho rằng chính sách phát triển và đánh giá nhà khoa học cần dựa vào hiệu quả công việc, nhiệm vụ. Nhà nước cần sớm xây dựng một hệ thống tổ chức khoa học tập hợp các nhà khoa học xuất sắc cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ về khoa học và công nghệ mà thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra. Với mỗi vấn đề, mỗi quá trình, mỗi giai đoạn sẽ có những nhiệm vụ, dự án, chương trình nhất định cần phải giải quyết và hoàn thành. Có như vậy chúng ta mới có đội ngũ hiền tài, đội ngũ các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, trung thực, yêu nước, có khả năng tập hợp quanh mình những người có năng lực, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, dân tộc.
 
Ngoài ra, theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong bối cảnh hiện nay, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH-CN là một trong những chính sách cốt yếu để đưa đất nước tiếp tục phát triển. Trong đó, cần chú trọng việc tìm kiếm, đào tạo phát triển những tài năng trẻ đam mê học tập và nghiên cứu khoa học. Cũng nên có chính sách duy trì phát triển ở mức cần thiết cho quốc gia về khoa học cơ bản. Đặc biệt là chính sách đủ để hấp dẫn thế hệ trẻ tham gia học tập và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Rõ ràng, đây là điều mà chính sách phát triển nguồn nhân lực KH-CN hiện nay chưa làm được, cần phải giải quyết trong thời gian tới.
 
Theo Người đại biểu nhân dân
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang