Bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ quá sớm nguy cơ biến chứng nguy hiểm

authorThu Hường 10:09 24/10/2018

(VietQ.vn) - Ngày nay rất nhiều bà mẹ bấm lỗ tai cho con từ khi còn nhỏ nhưng theo các bác sĩ, việc bấm lỗ tai cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến chứng.

Việc bấm lỗ tai cho bé ngay từ khi còn nhỏ gần như trở thành thói quen của rất nhiều bà mẹ có con gái hiện nay. Nhiều mẹ bấm lỗ tai cho con khi bé mới chỉ được 4 -5 tháng tuổi, thậm chí, có người còn làm việc này khi bé mới sinh được vài tháng.

Theo nhiều bà mẹ giải thích, việc cho bé bấm lỗ tai sớm như vậy bé sẽ nhanh lành hơn, đỡ đau hơn khi bé lớn. Tuy nhiên, do thiếu những kiến thức cơ bản mà mẹ không ngờ rằng việc làm này sẽ để lại rất nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ.

 Bấm lỗ tai cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ

 Bấm lỗ tai cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Như trường hợp một bệnh nhi 15 ngày tuổi ở Tiền Giang được đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang trong tình trạng sốt cao, người mệt lả, bỏ bú, hai bên mang tai bị tấy đỏ, phần lỗ tai mới bấm bị chảy mủ.

Theo mẹ cháu bé T, sau khi sinh gia đình có nhờ người nhà đến xỏ lỗ tai cho con vì nghĩ rằng xỏ càng sớm thì bé sẽ không bị đau. Thế nhưng, vài ngày sau đó, thấy tai con bị sưng kèm mủ gia đình mới vội đưa con đi viện kiểm tra.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi T bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã cấp cứu rửa vết thương, cắt sợi chỉ xỏ lỗ tai, lấy mủ ra, đồng thời tiêm thuốc kháng sinh cho bé T. Sau khi được điều trị, bé T giảm sốt, hai bên tai bớt sưng, bé bú được, sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực tế cho thấy, biến chứng do xỏ lỗ tai gây ra không phải chỉ có ở trẻ nhỏ vài tháng hay vài tuổi mà đối với các em đã lớn cũng có thể xảy ra. 

Trước đó một bé gái 15 tuổi ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM, đã bị sốt, chỗ xỏ sưng tấy, tạo mủ nên phải vào khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng điều trị. Sau khi thăm khám cháu bé này đã được xác định là bị nhiễm trùng vách tai do xỏ lỗ tai. Khi nhập viện, cháu được các bác sĩ đã làm vệ sinh tại vùng nhiễm trùng, dùng kháng sinh dạng chích và theo dõi nhiễm trùng huyết.

Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết, nếu dùng dụng cụ không vô trùng để xỏ lỗ tai dễ gây nhiễm trùng tại chỗ. Lúc này, vi khuẩn sẽ khuếch tán đi vào máu gây nhiễm trùng huyết. Nếu không khống chế được tình trạng này, bệnh nhân có thể tử vong.

Do sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm, Công ty TNHH CTR BIO bị 'trảm'(VietQ.vn) - Do không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm nên Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH CTR BIO.

Nói tới việc bấm lỗ tai nguy hiểm ra sao, BS Nguyễn Toàn Thắng – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, có rất nhiều trường hợp gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai. Người bệnh thường bị nhiễm trùng, gây viên sụn vành tai và áp xe sụn vành tai. Đây là biến chứng  thường gặp ở người lớn và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, biến chứng nặng nhất có thể xảy ra sau khi xỏ lỗ tai là nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng vi khuẩn xâm nhập qua vết thương đi vào trong máu gây tình trạng sốt cao và gây nhiều ổ viêm trong cơ thể trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Do đó, các bậc cha mẹ hãy đợi khi con trên 10 tuổi, đã tự ý thức được việc chăm sóc bản thân cũng như khả năng chịu đựng cơn đau tốt hơn và kháng lại với những điều kiện xâm nhập của vi khuẩn.

Đối với những bé có cơ địa sẹo lồi thì không nên bấm lỗ tai cho con hoặc chỉ bấm lỗ tai ít nhất khi trẻ đủ 11 tuổi. Trẻ bị tim bẩm sinh cũng được khuyến cáo nên cân nhắc trước khi bấm lỗ tai bởi nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.

Nếu muốn bấm lỗ tai cho con, cha mẹ cần lựa chọn địa chỉ uy tín để có điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn. Đồng thời, phải bôi kém hoặc uống kháng sinh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chăm sóc và vệ sinh tai cho trẻ nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Hạnh Vũ (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang