'Ban' cái chết cho bệnh nhân: Nghe đã rợn người!

author 05:56 24/04/2015

(VietQ.vn) - Hầu hết các gia đình đều không dám rút ống thở của con cái, cha mẹ hay người thân mình, các bác sỹ lại càng không dám.

Xung quanh đề xuất quyền được chết cho những bệnh nhân không còn khả năng cứu sống của Bộ Y tế đang gây xôn xao dư luận, Chất lượng Việt Nam đã phỏng vấn PGS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ông Nguyễn Tiến Dũng là người đã từng tiếp xúc với rất nhiều sự sống, cái chết, ông hiểu rõ tâm lý của bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân trong những giây phút trải qua cơn thập tử nhất sinh.

-Thưa ông, Bộ Y tế vừa đề xuất quyền được chết cho những bệnh nhân không còn khả năng cứu sống, với tư cách là một bác sỹ đã từng tiếp xúc điều trị cho nhiều bệnh nhân nguy kịch, ông có đồng ý với đề xuất đó không?

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi không đồng ý. Quy định này có thể áp dụng được khi mọi điều kiện về con người, xã hội phát triển hơn nữa chứ không phải tại thời điểm này.

Dĩ nhiên, mỗi người có một quan điểm khác nhưng về mặt đạo đức xã hội, về mọi mặt khác của đời sống, con người Việt Nam hiện nay, tôi không đồng ý, tôi thấy “rợn” người lắm. Sao người khác lại quyết cho người này, người kia được chết, tôi không thể hiểu nổi.

-Cụ thể, tại sao hoàn cảnh nước ta như hiện nay lại chưa thích hợp?

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Trên thế giới cũng có nước đã áp dụng quyền được chết, nhưng thực tế nước ta mới là quan trọng.

Trong công việc thực tế của tôi và hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay, việc xây dựng một xã hội có tình thương, có đạo lý, tình người trong việc chăm sóc bệnh nhân không còn hy vọng chữa khỏi quan trọng hơn nhiều việc bàn đến quyền quyết định cho họ chết.

- Về phía bệnh nhân, theo ông khi không còn hy vọng sống, họ muốn được chết hay muốn được chăm sóc điều trị tiếp để kéo dài sự sống thưa ông?

Về khía cạnh tâm lý bệnh nhân, tôi đã tiếp xúc với nhiều sự sống, cái chết, tôi hiểu cảm giác của người bệnh khi ấy. Khi người bệnh nói “Tôi chỉ muốn chết thôi, tôi không muốn sống nữa” là họ đang bị áp lực tâm lý rất lớn. Vì thương con, thương cháu, thương vợ, thương chồng, vì cái này vì cái khác... nên họ nói vậy để giảm bớt cảm giác họ là gánh nặng của gia đình chứ không hẳn bản thân họ muốn được chết.

Khi nghe họ nói “Tôi không muốn sống nữa”, tôi cảm nhận được họ đã ở đáy tận cùng của sự sống rồi, tôi thấy mình cần phải trợ giúp cho người ta. Trợ giúp ở đây không phải là chấm dứt sự sống của họ mà là mong muốn có các bác sỹ tâm lý đến để trợ giúp về mặt tâm lý, an ủi họ để giảm bớt cảm giác đau đớn. Nhưng hiện nay chúng ta đang rất thiếu bác sỹ tâm lý. Thế thì đừng bắt người bác sỹ điều trị đứng ra quyết định chấm dứt sự sống của bệnh nhân.

­-Riêng đối với những bệnh nhân nhi, các bé chưa thể đưa ra quyết định cho bản thân mình khi không còn hy vọng cứu sống, ông có nhận định như thế nào về đề xuất này?

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Riêng với đối tượng bệnh nhi, các cháu không thể tự đưa ra quyết định đó được nên nếu đề xuất được đông ý, lại phải quy định là quyền quyết định nằm trong tay người giám hộ 1, người giám hộ 2. Người giám hộ có thể là cha, mẹ. Nhưng ở nước ta nhiều khi cha mẹ lại không có “quyền” to bằng ông, bà. Nhiều vấn đề rất rắc rối, chỉ cần nghĩ đến chuyện thành lập một hội đồng bàn việc quyết định để các em chết tôi đã thấy rùng hết cả mình rồi.

Đó là chưa kể đến những trường hợp có thể năm nay không có thuốc chữa, nhưng vài năm sau khoa học đã nghiên cứu ra thuốc cứu được. Ví dụ như các cháu mới sinh, lúc đầu người ta bảo các cháu sinh non 26 tuần là không thể cứu nhưng giờ y học đã cứu được nhiều cháu mới 24 tuần tuổi.

Mỗi con người đều có số phận, nếu số của họ chưa hết thì tại sao lại can thiệp để họ chết? Không bác sĩ nào dám giúp người bệnh thực hiện quyền được chết. Thực tế khoa Nhi (Bạch Mai) từng có nhiều trẻ thập tử nhất sinh, bác sĩ vẫn nói với gia đình khó cứu được nhưng vẫn khuyên để trẻ ở lại bệnh viện để hưởng một số quyền lợi cuối cùng của y tế. Nếu trẻ mất, bác sĩ, điều dưỡng, y tá và cả gia đình cũng sẽ không thấy ân hận. 

Một số trường hợp gia đình thấy con khó cứu chữa, muốn xin về nhà chờ chết, bệnh viện không thuyết phục được thì yêu cầu gia đình tự rút ống thở của con. Nhưng hầu hết các gia đình đều không dám tự rút ống thở của con mình, bác sĩ lại càng không dám. Nhiều bệnh nhân tưởng chết rồi nhưng cuối cùng vẫn cứu được.

PGS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS Nguyễn Tiến Dũng điều trị cho bệnh nhân nhi. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Ở trên, ông có đề cập đến một khía cạnh rất mới trong việc điều trị ở Việt Nam là việc trợ giúp tâm lý cho người không còn hy vọng cứu chữa. Ông có thể nói rõ hơn không?

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Hiện giờ rất nhiều nước tiến bộ trên thế giới nếu giúp được người bệnh họ sẽ giúp chữa, còn không chữa được nữa, họ sẽ trợ giúp tâm lý. Trợ giúp tâm lý ở đây là giúp bệnh nhân có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với cái chết. Bởi xin được chết là đầu hàng cái chết, đầu hàng tất cả.

Bác sỹ hỗ trợ tâm lý cần phải động viên người bệnh vượt lên, nhiều trường hợp bệnh nhân không còn thuốc chữa nhưng vẫn còn những cách khác. Con người ta có thể được chữa bằng tình thương, bằng tâm lý. Nhiều khi được nghe một câu nói động viên, người bệnh đang đau đớn cũng đỡ đau hơn rất nhiều.

Ở bên Nhật, họ đã làm chuyện đó. Khi các bác sỹ dừng tất cả mọi hoạt động cấp cứu vì không còn khả năng cứu chữa thì các bác sỹ đều đến chia tay, an ủi người bệnh thật lòng, thế là họ cảm thấy hết đau. Nhiều trường hợp, khoa học không còn biện pháp nào để cứu chữa, không còn loại thuốc nào có thể phát huy tác dụng, nhưng chỉ bằng trợ giúp tinh thần, nhiều người đã kéo dài sự sống.

Do đó, thay vì đưa ra đề xuất này, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện mở những nơi, những phòng cho những người bị ung thư giai đoạn cuối (đối tượng người bệnh chủ yếu không thể cứu chữa và phải chịu đau đớn) để chăm sóc và có thêm đội ngũ bác sỹ trợ giúp tâm lý.

-Ở Việt Nam hiện nay, các bệnh viện đã có đội ngũ bác sỹ trợ giúp tâm lý để làm điều đó chưa thưa ông?

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay, Việt Nam chỉ có các bác sỹ tự thực hiện. Các chuyên gia về tâm lý hầu hết chỉ hoạt động ở các bệnh viện tâm thần. Còn ở các khoa điều trị tích cực của các bệnh viện chưa có vì chưa có biên chế, chưa mở rộng xã hội hóa.

Theo tôi, việc trợ giúp tâm lý, động viên người bệnh có thêm động lực vượt qua đau đớn, chiến đấu với bệnh tật, giành lại sự sống là rất quan trọng, các bệnh viện đều nên có, nếu bệnh viện không lo được thì các tổ chức xã hội nên quan tâm.

 Xin cảm ơn ông!

Trần Nam (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang