"Bán hàng đa cấp gây nhiều bức xúc dư luận xã hội"

author 17:23 30/09/2013

Bộ Công thương đã thẳng thắn nhận xét “Bán hàng đa cấp không những gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội mà còn gây nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước”.

Dự thảo Nghị định thay thế NĐ110/2005/NĐ-CP về quy định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) đang được Bộ Công thương soạn thảo để trình Chính phủ vào cuối năm nay. Một điều rất rõ ràng được đặt ra trong mục đích soạn thảo dự thảo là quản lý chặt hơn hoạt động BHĐC đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Bán hàng đa cấp đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hộiCông ty Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận

Phải siết lại

Bộ Công thương đã thẳng thắn nhận xét “BHĐC không những gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội mà còn gây nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước”.

Hiện văn bản pháp đầy đủ nhất quy định về quản lý hoạt động BHĐC là Nghị định 110/2005/NĐ-CP nhưng khi soạn thảo cách đây 8 năm chủ yếu tham khảo pháp luật nước ngoài, chưa có thực tiễn quản lý tại Việt Nam.

Đến nay nội dung nghị định bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của ngành BHĐC.

Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 110/2005/NĐ-CP được cho là sẽ siết chặt hơn việc quản lý hoạt động BHĐC. Theo đơn vị chủ trì soạn thảo là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương trong dự thảo gồm 8 thay đổi cơ bản. Có thể nhận thấy những thay đổi đã hướng đến việc phải điều chỉnh để văn bản quy phạm pháp luật theo kịp được thực tế của ngành hàng này tại Việt Nam.

Như thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC được giao cho Bộ Công thương thay vì các sở công thương để thống nhất về vấn đề quản lý hoạt động. Có thể lấy một ví dụ nhỏ về vấn đề quản lý cấp phép này, Sở Công thương Hà Nội là đơn vị cấp phép cho Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy địa chỉ ở huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội vẫn đăng thông tin trên website của mình thông tin giám đốc của Cty này là bà Phạm Thị Huy.

Còn trên trang thông tin BHĐC của Cục Quản lý cạnh tranh thì người đại diện pháp luật cho Cty này lại có tên Peng Hai Tao. Trong các hợp đồng BHĐC ký với nhà phân phối, tên giám đốc Cty cũng là Peng Hai Tao. Như vậy, chỉ với tên giám đốc Cty thông tin đã có sự “vênh nhau” giữa bộ và sở.

Một quy định mới cũng được quan tâm là việc tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa BHĐC hay giới thiệu cơ hội kinh doanh ở bên ngoài trụ sở, DN BHĐC phải thông báo cho sở công thương nơi tổ chức các hoạt động đó.

Điều này được cho là sẽ hạn chế được tình trạng các DN BHĐC đang tràn về các vùng nông thôn mở các lớp đào tạo, giới thiệu và mời chào người dân tham gia kinh doanh BHĐC một cách vô tội vạ.

Bên cạnh đó, những quy định về tăng tiền ký quỹ từ 3 tỉ đồng lên 5 tỉ đồng, vốn pháp định của DN BHĐC phải là 10 tỉ đồng hay việc cấm kinh doanh theo mô hình tháp ảo, cấm ký nhiều hợp đồng với cùng một người để tránh tác động tiêu cực của mô hình nhị phân,... được kỳ vọng sẽ hạn chế những hệ lụy của hình thức kinh doanh này.

Quản lý thế nào?

Ông Phan Đức Quế - Trưởng ban điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, một trong những thành viên trong tổ soạn thảo dự thảo nghị định cho biết điều quan trọng là phải có chứng cứ xác định vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh BHĐC.

Trong thực tế, một số DN BHĐC gây bức xúc trong dư luận vì quảng bá tính năng, chất lượng sản phẩm một cách “quá đáng”. Đến mức, nếu người không có nhiều kiến thức hiểu biết sẽ coi đấy như là một sản phẩm “thần kỳ”.

Trong các buổi hội thảo, người sắp tham gia BHĐC thường được nghe quảng cáo về những công dụng thần kỳ của một hay nhiều loại sản phẩm do Cty kinh doanh. Người nghe tiếp nhận những thông tin đó và không có cơ sở để kiểm chứng, so sánh để biết thông tin mình nhận được về sản phẩm có bị sai lệch hay không.

Để có căn cứ xử phạt, người tiêu dùng trước hết cần phải có bằng chứng về việc nhà phân phối hoặc nhân viên Cty quảng cáo sản phẩm quá mức, sau đó phải xem xét đến khía cạnh đó là chính sách của Cty hay do nhà phân phối cố tình làm sai.

Việc các Cty BHĐC “tung hoành” ở nhiều địa phương cũng được cho là do ít được sự quan tâm của cơ quan chức năng sở tại. Các Cty hay nhà phân phối của các Cty gần như “thả phanh” trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo ở địa phương để mời chào những người sẽ tham gia hệ thống BHĐC.

Trong dự thảo nghị định mới đã nêu: Tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa BHĐC hay giới thiệu cơ hội kinh doanh ở bên ngoài trụ sở phải thông báo cho Sở Công thương nơi tổ chức các hoạt động.

Sự quan tâm của các cơ quan chức năng đến các Cty bán hàng đa cấp còn được thể hiện ở việc: Đến nay, đã gần hết năm 2013 nhưng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương còn chưa có đầy đủ số liệu về các Cty BHĐC bị xử phạt trong năm 2012. Chưa nói đến việc, một Cty BHĐC thuộc dạng đình đám đến nay đã mở bao nhiêu chi nhánh và có bao nhiêu nhà phân phối. Liệu các nhà quản lý có nắm được điều này?

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang