Ban hành tiêu chuẩn: Những vấn đề cần tính tới

author 06:24 05/11/2020

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, khi xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn cũng cần tính tới nhiều yếu tố.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực mới đây.

Kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu. 

Cần một giai đoạn “quá độ”

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng, bởi nó gắn với ý tưởng về phát triển bền vững, an toàn và bảo đảm sức khỏe cho con người.

Đặc biệt là các nhà sản xuất kinh doanh “chơi” trên thị trường quốc tế, các mặt hàng xuất khẩu không những phải tương thích với các cam kết quốc tế của WTO hay của FTA về vấn đề tiêu chuẩn mà còn phải phù hợp với đòi hỏi của thị trường xuất khẩu, nên có thể nói đây là vấn đề “sống còn”.

Để tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp phải đáp ứng được các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đối với nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu, không sát với thực tế, ông Võ Trí Thành đề cập đến câu chuyện “quá độ”. Các nước đi sau như Việt Nam, trình độ, năng lực, công nghệ chưa thể đáp ứng được ngay, do đó chúng ta cần một giai đoạn “quá độ”, nghĩa là các doanh nghiệp cần thời gian để nâng cao năng lực, nhà nước cũng cần có những hỗ trợ cần thiết trong vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong giai đoạn “quá độ” này là phải có những ưu tiên, ví dụ những tiêu chuẩn gây hại cho sức khỏe con người thì cần loại bỏ ngay, còn những tiêu chuẩn liên quan đến việc tham gia mạng, chuỗi, đòi hỏi những công nghệ mới… chúng ta cần thời gian để chuyển đổi.

Ngoài ra còn vấn đề lạm dụng các tiêu chuẩn. Giữa các nước, các biện pháp phi thuế quan đôi khi có việc lạm dụng, để bảo hộ, cạnh tranh thiếu lành mạnh, hay mập mờ để thủ tiêu đối thủ, điều này đòi hỏi sự minh bạch cũng như xử phạt nghiêm minh. Đây là những bài học mà vừa qua chúng ta đã thấy, phải có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các chuyên gia, nhà khoa học.

Tiêu chuẩn chung nên cần tổng thể, toàn diện và bền vững

Dưới góc độ các doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cho dù ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì khi nói về tiêu chuẩn hóa trong hoạt động kinh tế, người ta luôn phải lưu ý đến mặt trái của nó.

Trong thị trường nội địa, nếu tiêu chuẩn sản phẩm của một nhà sản xuất nào đó, vì bất cứ lý do gì, được chọn là tiêu chuẩn của ngành, hay thậm chí là tiêu chuẩn của quốc gia, thì nó dễ dàng trở thành rào cản ngăn chặn các nhà sản xuất khác tham gia thị trường.

Ở mức độ nhỏ hơn, nếu một nhà sản xuất nào đó đưa được các yêu cầu hay điều khoản có lợi cho mình vào trong các tiêu chuẩn thì họ cũng có thể chặn được bước đi của các đối thủ cạnh tranh.

Ở bình diện quốc tế, câu chuyện hoàn toàn tương tự, và các tiêu chuẩn luôn là nội dung lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Các tiêu chuẩn về sản phẩm, về nguyên vật liệu vẫn thường được các quốc gia sử dụng như rào cản để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm nhập khẩu, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, mà các yêu cầu cụ thể của tiêu chuẩn luôn khoác bên ngoài một lớp áo “hiền lành” và chính đáng như: Bảo vệ người tiêu dùng, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, phù hợp với văn hóa và phong tục…

Theo TS. Tô Hoài Nam, xây dựng các tiêu chuẩn cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện, không thể cục bộ, nhìn vào một vài cá thể để xây dựng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn được.

Đặc biệt xây dựng tiêu chuẩn đối với những sản phẩm, mặt hàng có khả năng xuất khẩu hoặc là thế mạnh của Việt Nam thì chúng ta phải nhìn ra cả khu vực, thị trường quốc tế chứ không riêng trong nước.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng khi các quy định về tiêu chuẩn được ban hành thì các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng kế hoạch để sản xuất, đầu tư về khoa học công nghệ, tính toán chất lượng, mẫu mã … để hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Do đó văn bản quy định các tiêu chuẩn phải mang tính bền vững, ít thay đổi và không được có sự nhầm lẫn.

“Khác với các quy định về thủ tục hành chính thay đổi nhanh, các quy định tiêu chuẩn phải làm thật vững”, TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Chính vì vậy mà tất cả các quốc gia đều rất thận trọng khi đưa ra các bộ tiêu chuẩn, nếu không khảo sát kỹ, không thảo luận, bàn bạc và lấy ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, chuyên gia hiểu biết sâu về lĩnh vực đó thì rất khó ra được một chính sách tốt, không hiệu quả, thậm chí còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Bộ tiêu chuẩn nếu được xây dựng tốt sẽ kích thích sản xuất, khích lệ tiêu dùng còn nếu nó là sản phẩm kém chất lượng, làm ẩu hay gian dối sẽ là một thảm hoạ cho rất nhiều bên.

 

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) về những giải pháp để xây dựng các bộ tiêu chuẩn có chất lượng tốt, là điểm tựa, tạo đà cho phát triển.

 Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) . Ảnh: VGP/Hoàng Giang


Việc xây dựng các tiêu chuẩn còn tồn tại những bất cập nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Có thể kể đến một số bất cập như: Sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động tiêu chuẩn còn thụ động phụ thuộc vào nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn để áp dụng; đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất còn chưa đáp ứng với yêu cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của tiêu chuẩn đối vối hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đội ngũ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn vẫn còn thiếu, số lượng chuyên gia giỏi chuyên sâu còn hạn chế, thiếu về chất và lượng…

Trong gần 10 năm qua, Hệ thống TCVN được bổ sung cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đảm bảo tính đồng bộ, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp, người dân (hiện nay hệ thống TCVN có gần 13.000 TCVN).

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững được xác định là con đường tất yếu. Vậy việc xây dựng các tiêu chuẩn để thích ứng với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Hiện nay, xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải; tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041; các nhóm tiêu chuẩn về đô thị thông minh, lưới điện thông minh phục vụ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030...

Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh”chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường hay sản phẩm không thân thiện với môi trường.

Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải;tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học…

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…

Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để ‘nhập cuộc’ đáp ứng các tiêu chuẩn trong bối cảnh hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Một thực tế có thể thấy rõ thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, nhạy bén trong việc tìm kiếm, nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng hóa xuất khẩu tiếp cận với thị trường mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận với các yêu cầu, quy định mới của quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã cung cấp và tổ chức tư vấn miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế như máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành y tế nói riêng trên Cổng thông tin của Tổng cục.

Ngoài ra, để doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hội nhập cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận, chứng minh được một cách dễ dàng hơn, với mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn, để không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà người tiêu dùng của các nước trên thế giới cũng hài lòng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Để tiêu chuẩn không là rào cản(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn hóa là tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhưng thời gian qua, nhiều câu chuyện thực tiễn đã cho thấy những vấn đề đáng lưu tâm xung quanh một số tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa được xây dựng, ban hành. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đề cập vấn đề này trong loạt bài viết “Để tiêu chuẩn không là rào cản”.

 Theo Hoàng Giang/VGP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang