Bẩn như hàng ăn cổng chùa

author 07:42 11/02/2014

Cổng các đền, chùa vào những ngày sau tết đã biến thành điểm kinh doanh ăn uống nhộn nhịp. Sự nhếch nhác và phản cảm đã tới mức báo động nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lễ hội là các dịch vụ ăn uống mất vệ sinh lại tái diễn.

Thức ăn được "phơi" gần lối đi mà không được che đậy

Vừa vơ rác, vừa nhể ốc

Những ngày này, tại phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh... luôn đông đúc và hàng quán ăn uống cũng tấp nập không kém. Ngày 8 - 9.2, tức mùng 9, 10 tết, cũng đúng vào ngày nghỉ, nên các đền, chùa vẫn đều nhộn nhịp. Tại phủ Tây Hồ, từ khu vực để xe đến tận cửa phủ gần 1km là san sát các cửa hàng ăn lớn, nhỏ quây kín với đủ các loại đồ ăn thức uống như bún ốc, cua, tôm,... rượu nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh bột lọc, bánh giầy, chè kho, bánh cuốn, bún ốc, xúcxích nướng... Đồ ăn chín được bày bán không che chắn, hứng đủ bụi bặm của hàng trăm lượt khách nườm nượp ra vào phủ. 

Tại một quán bún ốc cạnh cổng Phủ, những rổ ốc đã sơ chế xếp tràn dưới lòng đường, nhân viên tay trần nhể ốc và miệng phì phèo hút thuốc lá. Nhân viên tay trần "vô tư" vừa vơ rác, lau bàn rồi liền sau đó quay sang nhể ốc, pha nước chấm. Rau sống được một nhân viên cho vào chiếc chậu to ngoáy ngoáy mấy cái rồi vớt ra rổ cho ráo nước, sau đó bày ra đĩa. Đĩa rau sống của khách vào trước ăn không hết liền được chuyển cho khách đến sau. Khi chúng tôi thắc mắc, thì một nhân viên nói: Do khách chưa ăn lá nào nên vẫn sạch, mọi người ta vẫn ăn đấy có sao đâu, thế là còn sạch chán... 

Tại chùa Hà, chùa Trấn Quốc... những bàn bánh đúc, chè kho, rượu nếp, xúcxích... cũng trong tình trạng tương tự. Các thứ đồ ăn đó  hầu hết được bày bán mà không che đậy và người bán cứ  tay trần bốc thức ăn...

Thực khách nhắm mắt... cho qua 

Người bán hàng tay trần bốc thức ăn.

Du khách đi lễ cầu cúng  đến quá trưa, đói và mệt, nên bước vào các quán ăn là hì hục ăn uống chẳng mấy khi để ý có đảm bảo vệ sinh hay không. Hơn nữa, những việc làm mất vệ sinh đó do được thực hiện phía sau nhà bếp nên thực khách không thể phát hiện và cứ thế xì xụp.

Chị Hoàng Hải Yến (Đình Thôn - huyện Từ Liêm) nói: “Chen từ sáng đến giờ mới lễ xong, bụng đói, nhìn những mâm tôm, ốc thấy hấp dẫn nên vào ăn, với lại nghe nói bún ốc ở đây là đặc sản nên phải thưởng thức”. Còn bà Thanh Hoa (huyện Gia Lâm) phàn nàn: “Biết là mất vệ sinh, nhưng mọi người cứ ăn, thế mới lạ! Nhiều người còn bảo ăn bún riêu, bún ốc, bánh trái bán ở cổng chùa mới có lộc. Chẳng biết có lộc hay không, ăn xong về phải uống thuốc, nhập viện thì quá tội...”.

Chùa, đền, phủ trong tháng giêng trở thành nơi kiếm tiền tốt nhất, nên người dân đã tận dùng từng mét đất ở cổng chùa, đường vào chùa để kinh doanh. Bất kể đó là cạnh nhà vệ sinh công cộng hay nơi tập kết rác cũng kệ. Thậm chí, một quầy bán hoa quả để bao tải ổi, táo ngay cửa ra vào nhà vệ sinh  nước lênh láng. Tại các khu vực này, rất dễ thấy cảnh rác vụn, thức ăn thừa, túi ni lông, vỏ hoa quả vứt bừa bãi khắp nơi, thùng rác công cộng rác tràn ra ngoài... 

Những cảnh mất vệ sinh này tại các đền chùa đã diễn ra hằng năm, song chính quyền các địa phương đã không có biện pháp chấn chỉnh quyết liệt. Còn những người đi lễ chùa đầu năm đều tặc lưỡi cho qua. Vì thế, những hàng ăn “bẩn” vẫn tồn tại, kiếm bội tiền những ngày này và đồng thời, tiềm ẩn trong xã hội nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang