Bán nước sạch với giá 'cắt cổ', Shark Liên có thực sự đầu tư không vì lợi nhuận?

author 07:09 27/10/2019

(VietQ.vn) - Tuyên bố đầu tư không vì lợi nhuận nhưng giá nước sạch mà doanh nghiệp của Shark Liên đưa ra thị trường lại đang cao gần gấp đôi so với các nhà cung cấp khác. Liệu tuyên bố của Chủ tịch Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống có phải là sự thật?

Nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Kiên được gắn với tên gọi “Shark Liên” bắt đầu từ khi bà tham gia chương trình Shark Tank mùa 3. Bà sinh năm 1968, quê quán huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Xuất thân là một giáo viên dạy văn tại Hà Nội, sau 3 năm đứng trên bục giảng, bà Đỗ Thị Kim Liên quyết định vào TP.HCM lập nghiệp. Năm 2005, bà thành lập Công ty Bảo hiểm AAA - Đơn vị bảo hiểm Tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2013, bà chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại Bảo hiểm AAA cho Tập đoàn IAG (Australia).

Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT của AquaOne và Công ty nước mặt sông Đuống, bà Liên còn là Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp (CBAM), Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund).

Gần đây, giữa cơn khủng hoảng nước nhiễm dầu thải khiến hàng triệu người dân Hà Nội phải khốn đốn với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Công ty nước mặt sông Đuống đã gây sốc khi khẳng định tuyên ngôn “đầu tư không cần lợi nhuận, nếu có cũng sẽ làm thiện nguyện”. Cụ thể, trên trang facebook cá nhân, Shark Liên chia sẻ bức ảnh chân dung bà kèm thông điệp được gắn trên ảnh: “Tôi đầu tư không cần lợi nhuận. Nếu có tôi cũng sẽ làm thiện nguyện”.

Shark Liên cùng tuyên bố đầu tư không vì lợi nhuận. 

Sở dĩ thông tin Shark Liên nói tới việc đầu tư không cần lợi nhuận khiến không ít người “sốc” là bởi vì trên thực tế, không nhà đầu tư nào rót tiền vào làm dự án mà không tính đến chuyện lợi nhuận, lỗ lãi. Thông tin trên cũng khiến dư luận không khỏi bán tín bán nghi bởi cứ nhìn vào dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống – một trong những dự án mới nhất mà Shark Liên đầu tư có thể thấy rõ, khoản tiền mà nữ doanh nhân này thu về là lớn tới nhường nào.

Kể từ khi sự cố nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu khiến người dân trên địa bàn điêu đứng vì thiếu nước, thành phố Hà Nội đã buộc phải mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá là 10.264 đồng/m3, cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác.

Cụ thể, thời điểm hiện nay giá mua buôn nước sạch sông Đà là 5.069,76 đồng/m3. Nhưng, giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.264 đồng/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 7%/năm (14 năm).

Lí giải về việc vì sao Hà Nội phải mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác, đại diện nhà máy này cho biết đó là do đầu tư lớn, bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng.

“Tính đến nay, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81 km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua 2 con sông là sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước (trong đó đa phần sử dụng ống XinXing của Trung Quốc - loại ống nước mà Thủ tướng đã yêu cầu dự án nước sông Đà giai đoạn 2 không sử dụng) để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, lên tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính?", vị đại diện này cho biết.

Vị đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho rằng, chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng. "Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều", vị đại diện này nhấn mạnh.

Mặc dù những giải thích của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống nghe có vẻ “xuôi tai” nhưng trên thực tế, nếu cứ dựa vào khó khăn của riêng mình để tăng giá nước như cách công ty này đã làm thì trên thị trường còn nói gì đến hai từ “cạnh tranh”.

Và khi Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống áp một mức giá đắt đỏ lên sản phẩm của họ, người chịu thiệt thòi không chỉ có người dân mà ngay cả chính quyền Hà Nội cũng thêm nhiều gánh nặng, phải đau đầu khi giải quyết vấn đề kinh phí bù giá.

Bởi theo báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP.Hà Nội, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.

Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá. Đặc biệt một số đơn vị còn cảnh báo, nếu mua giá nước cao như vậy sẽ khiến nhà nước hao tổn ngân sách vì trợ giá nước cho người dân Hà Nội.

Như vậy, nếu xâu chuỗi lại các sự việc, dư luận hẳn không khỏi hoài nghi vì tính thực chất của tuyên bố “đầu tư không vì lợi nhuận” mà Shark Liên đã đưa ra, chí ít là với mức giá đắt đỏ khi cấp nước của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

Được biết, dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Đỗ Liên có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD).

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Dự án bao gồm 2 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 - 1800mm) dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Về quy mô dự án, đến năm 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Shark Liên cho biết, vốn đầu tư nhà máy nước một phần là vốn tự có, phần còn lại thì vay ưu đãi của nước ngoài, ngoài ra vay của các ngân hàng. Tỷ lệ vốn vay trên tổng mức đầu tư khoảng 60%.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang