Bản tin tiêu dùng 7/9: Rùng mình nguyên liệu mỹ phẩm bán theo tấn ở chợ Kim Biên

author 20:01 07/09/2017

(VietQ.vn) - Bản tin tiêu dùng nổi bật ngày hôm nay là thông tin nhiều người ngỡ ngàng trước giá trị thật sự của nhiều loại mỹ phẩm đang phổ biến trên thị trường.

Gian nan đi tìm "lợn sạch": Thiếu lò mổ trầm trọng

Theo thông tin trên báo Dân Việt, thị trường sẽ quyết định việc sản xuất, nhưng nhìn lại chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ, hiện nay cả nước chỉ mới chăm chú khâu chăn nuôi; còn khâu giết mổ và tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập.

Khi tiêu thụ lợn đang chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng đàn, vấn đề lò mổ không đạt chuẩn tiếp tục được nhắc đến như một điểm yếu của ngành chăn nuôi khiến cho việc tạm trữ gặp khó.

Theo Cục Thú y, cả nước có 878 cơ sở giết mổ tập trung nhưng chỉ có 8 cơ sở giết mổ để xuất khẩu. Đến giữa năm 2017, cả nước có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó hơn 22.200 cơ sở giết mổ lợn. Quy hoạch giết mổ chỉ mới dừng lại ở việc tập trung các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. 

Nhiều chuyên gia cho rằng thịt heo mảnh từ các lò mổ đưa về các chợ đầu mối khó đảm bảo yêu cầu an toàn  thực phẩm vì thời gian lưu giữ kéo dài.  Ảnh: Dân Việt

 Nhiều chuyên gia cho rằng thịt heo mảnh từ các lò mổ đưa về các chợ đầu mối khó đảm bảo yêu cầu an toàn  thực phẩm vì thời gian lưu giữ kéo dài.  Ảnh: Dân Việt

Đến cuối năm 2017, TP.HCM sẽ chấm dứt các lò giết mổ thủ công, đồng thời đưa vào hoạt động các máy tập trung, hiện đại. Kế hoạch này được lập ra đã nhiều năm nhưng đến nay nhiều dự án vẫn bí lối ra do vướng quá nhiều thủ tục.

Đây không phải lần đầu TP.HCM đưa ra "tối hậu thư" chấm dứt giết mổ thủ công. Lần thứ nhất là năm 2005 với kế hoạch tập trung và kiểm soát giết mổ. Lần thứ 2, từ 2011, thành phố ban hành phương án tập trung 5 cơ sở giết mổ công nghiệp. Lộ trình đến 2015 sẽ thay thế toàn bộ các cơ sở giết mổ thủ công. Do lắm thủ tục, nhiều chủ đầu tư không kịp triển khai.

Năm 2016, thành phố tiếp tục ban hành phương án quy hoạch giết mổ đến 2020 theo Quyết định số 2032, trong đó tổ chức 8 cơ sở giết mổ (gồm 6 ở huyện Củ Chi và 2 ở huyện Hóc Môn).

Để có được giấy phép đầu tư lò mổ, các chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính. “Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm, lấy ý kiến các sở ngành liên quan để hệ thống lại, rồi góp ý lần nữa nhưng triển khai vẫn còn trục trặc. Đặc biệt là áp vào luật đầu tư công lại có những phát sinh mới” - ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát- Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, hiện thành phố có trên 100 kho lạnh (gồm cả thủy sản, trái cây, thịt), công suất có thể lên hàng trăm ngàn tấn… Nhưng để giết mổ, cấp đông thì vẫn chưa có cơ sở nào đạt chuẩn. Đây là vấn đề phải đặt ra để có định hướng trong thời gian sắp tới.

Có một thực trạng với các cơ sở giết mổ lợn, hiện chỉ dừng lại ở khâu tập trung để giết mổ. Nhiều cơ sở dù đánh giá theo Thông tư 45 đã đạt loại A, B nhưng thực ra vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Sau “cuộc chiến” giá than, TKV và EVN đã chốt được giá

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá bán than kể từ 1/9/2017. 

Căn cứ vào Điều 25, Luật giá số 11/2012/QH13 về kết quả hiệp thương giá và Quyết định số 699/2017 của Bộ Tài chính về giá than cho sản xuất điện, trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời, các bên thương thảo về giá. Nếu các bên thống nhất được giá thì thực hiện theo giá đã thống nhất và có trách nhiệm báo cáo cơ quan tổ chức hiệp thương biết giá đã thống nhất, thời gian thực hiện.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết TKV, Tổng công ty Đông Bắc là bên bán và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là bên mua đã thống nhất được mức giá than cho sản xuất điện, thời gian thực hiện từ 1/9/2017. Tuy nhiên, mức giá mua không được Bộ Tài chính tiết lộ. 

Trước đó, việc mua bán than giữa EVN và TKV đã rơi vào tình trạng căng thẳng. Đỉnh điểm, việc này đã được đưa ra phân giải tại các cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ, Bộ Công Thương...

Tháng 5/2017, EVN đề xuất lên Chính phủ được điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so kế hoạch. Ngay lập tức, phía TKV lên tiếng bác bỏ với lý do việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. 

Theo tính toán từ TKV, nếu EVN giảm mua than, sẽ có hàng ngàn công nhân, lao động của tập đoàn này đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Do đó, tập đoàn này đang tính phương án thuyết phục ngành điện xem xét lại đề xuất giảm mua than của TKV để mua của đối tác bên ngoài.

 Nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện có thể lên tới 45 triệu tấn trong giai đoạn tới. Ảnh: VnEconomy

 Nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện có thể lên tới 45 triệu tấn trong giai đoạn tới. Ảnh: VnEconomy

Trước tình huống này, đại diện EVN cho biết: “Không có chuyện EVN bỏ mua than của TKV để mua của đối tác nước ngoài”. Theo lãnh đạo EVN, việc tập đoàn này không muốn mua than của TKV vì giá cao, sẽ làm cho chi phí, giá thành sản xuất điện tăng lên. Thậm chí là sẽ khiến ngành điện phải gánh thêm khoản lỗ lớn do giá than.

Do đó, thay vì mua của TKV, EVN có thể mua của các doanh nghiệp khác trong nước với mức giá hợp lý hơn, chấp nhận được mà than vẫn đảm bảo chất lượng cho phát điện. 

“Các doanh nghiệp than khác trong nước, ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc, cũng sản xuất được than có giá thành hợp lý với cung cầu thị trường. Cũng vì không chốt được giá và số lượng mua than của TKV nên gần đây, EVN đang tìm bổ sung nguồn than mới”, đại diện EVN chia sẻ.

Tại cuộc họp của Tổ công tác Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, Bộ Công Thương có giải pháp cấp bách tiêu thụ lượng than tồn kho của TKV. Tuy nhiên, theo ông, TKV cũng cần có biện pháp hạ giá thành, để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, than cám 4b nhập khẩu có giá chỉ khoảng 1,4-1,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá than khai thác của TKV đắt hơn 500.000 đồng/tấn. Hay như than cám 3b, nhập khẩu giá 1,7 triệu đồng/tấn, nhưng giá than trong nước sản xuất cũng cao hơn. 

Để mua được nhãn lồng Hưng Yên 'xịn" người tiêu dùng cần chú ý điểm này(VietQ.vn) - Có rất nhiều loại nhãn đang nhái nhãn lồng Hưng Yên để lừa người tiêu dùng. Để mua đúng, người tiêu dùng cần chú ý tới các đặc biệt bên ngoài để phân biệt.

Từ chợ Kim Biên đến bàn trang điểm: Hành trình thành đạt của các "doanh nhân kem trộn"

Tạp chí điện tử Saostar.vn đưa tin, cơn sốt làm đẹp của chị em phụ nữ dường như chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhu cầu tìm kiếm sản phẩm uy tín, chất lượng cũng ngày một nhiều hơn. Giữa thị trường đa dạng với muôn vàn chủng loại mỹ phẩm cao cấp có, bình dân có, hầu như tất cả đều trông rất thành công, bán chạy và được yêu thích.

Thế nhưng, gần đây, một tài khoản mạng xã hội rất được chị em phụ nữ thích thú theo dõi lại đăng tải nhiều hình ảnh khiến người xem không khỏi rùng mình về chất lượng thật sự của những món mỹ phẩm mà họ đã và đang sử dụng.

 Serum body, kem tan mỡ, kem lột mụn, kem dưỡng toàn thân,… được bán theo kí, theo lít.

 Serum body, kem tan mỡ, kem lột mụn, kem dưỡng toàn thân,… được bán theo kí, theo lít.

Trước đây, khi cơn sốt kem tắm trắng tác dụng tức thời hoặc kem trị mụn hiệu quả ngay lập tức còn trong giai đoạn đỉnh cao, đã có không ít người dùng phải bàng hoàng khi biết được sự thật về những loại kem họ đang tin dùng. Hầu như rất nhiều trong số các sản phẩm có tiếng tăm đều dùng nguyên liệu xuất phát từ chợ Kim Biên, một khu chợ hoá chất - nguyên liệu nổi tiếng ở TP. HCM. Rất nhiều bạn trẻ chỉ cần bỏ một chút vốn mua nguyên liệu về tự trộn, trang bị thêm vỏ hộp, tem nhãn bắt mắt là lập tức có thể mạnh dạn “khai sinh” ra cả một thương hiệu mỹ phẩm mới, dù có đôi khi chính họ không phải là người dám xài sản phẩm mình bán.

 Rùng mình với những “hệ thống” gia công kem trộn từng bị phát hiện. Các loại nguyên liệu làm kem đều có thể dễ dàng tìm thấy ở chợ Kim Biên.

 Rùng mình với những “hệ thống” gia công kem trộn từng bị phát hiện. Các loại nguyên liệu làm kem đều có thể dễ dàng tìm thấy ở chợ Kim Biên.

 

Và nếu trước đây, người ta hầu như chỉ biết đến khái niệm “kem trộn” được gia công từ nguyên liệu lấy ở chợ Kim Biên, thì hiện tại, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng được rao bán công khai trên mạng xã hội với giá cực rẻ.

Dường như, con đường trở thành doanh nhân thành đạt với nhiều bạn trẻ bán mỹ phẩm khá dễ dàng, từ lợi nhuận siêu khủng việc mua bán những sản phẩm kém chất lượng kể trên, họ đẩy mạnh quảng cáo, tuyển hệ thống nhà phân phối khắp nơi rồi vì một lý do nào đó, họ đạt được những giải thưởng khá uy tín trong kinh doanh. Thế là nghiễm nhiên, hũ kem trộn, tuýp tẩy tế bào chết, lọ lột mụn… siêu rẻ ngày nào đã trở thành sản phẩm cao cấp.

Nếu trước đây người ta có thể nhận ra mỹ phẩm kém chất lượng, kem trộn đến từ chợ Kim Biên qua một số đặc điểm căn bản như: chất kem, vỏ bao bì, giá thành siêu rẻ,… thì nay tất cả hầu như đã thay tên đổi xác thành nhiều thương hiệu mỹ phẩm lớn trong thị trường nội địa, mẫu mã đẹp khiến ít ai ngờ được nguồn gốc thật sự của chúng.

Câu hỏi đặt ra: “Đến bao giờ, người tiêu dùng mới được bảo vệ khỏi những thứ kém chất lượng, gây hại cho sức khoẻ như thế này?”

Ánh Ngân (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang